Thị trường

UAE cấm nhập khẩu rau quả 5 quốc gia Trung Đông

Trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu các nước từ Trung Đông thì đây là cơ hội cho rau quả Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu (MOCCAE) Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông gồm Ai Cập, Oman, Jordan, Lebanon và Yemen do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng UAE.

Theo đó, các loại rau củ quả bị cấm nhập khẩu gồm: các loại ớt chuông từ Ai Cập; bắp cải, cải thảo, rau diếp, bí, đậu và cà tím từ Jordan; các loại táo từ Lebanon; các loại dưa, cà rốt và cải xoong từ Oman; và tất cả các loại trái cây từ Yemen.

Ảnh minh họa.

Bộ này cũng yêu cầu các Bộ chức năng của 5 quốc gia trên cần tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE, lệnh cấm sẽ được hủy bỏ khi các yêu cầu về an toàn thực phẩm được đáp ứng và 5 quốc gia trên cung cấp được các giấy tờ chứng nhận sản phẩm rau củ quả của nước mình không chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu.

Việc chính phủ UAE cấm nhập khẩu các loại rau và trái cây từ 5 quốc gia nói trên có thể sẽ đẩy giá các loại rau và trái cây tại UAE lên cao trong ngắn hạn do bị hạn chế nguồn cung để chuẩn bị cho mùa lễ Ramadan sẽ diễn ra trong khoảng cuối tháng 5 tới đây. Trong số các quốc gia nói trên, Ai Cập, Jordan đứng thứ 5 và 6 các nước xuất khẩu các loại rau nhiều nhất sang UAE với kim ngạch tương ứng 78 triệu USD và 72 triệu USD (theo số liệu của ITC).

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, do điều kiện tự nhiên, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên UAE phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE năm 2014 đạt gần 3,2 tỷ USD, 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD và trên 2,5 tỷ USD năm 2016. Trong đó, UAE nhập khẩu từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nam Phi, với các loại trái cây như táo, lê, các loại trái cây họ cam, rau củ tươi… Hàng hóa nhập khẩu vào UAE không chỉ để phục vụ tiêu dùng của người dân UAE mà còn để phục vụ khách du lịch và người lao động nhập cư.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, mặt hàng rau, củ, quả xuất khẩu sang UAE chỉ đạt 14,2 triệu USD năm 2014, 16,2 triệu USD năm 2015 và 22,8 triệu USD năm 2016, mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước đó nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của UAE.

Trong những năm qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp của hai nước tổ chức các sự kiện quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây của Việt Nam tại các siêu thị của UAE như: Ngày vải thiều tại UAE, Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam tại UAE v.v đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng UAE. Hiện tại, nhóm hàng nông sản và trái cây Việt Nam đã tiếp cận được một số hệ thống siêu thị của UAE, các mặt hàng rau quả như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm, xoài, ổi đang được bán tại các siêu thị với giá tốt, được người tiêu dùng UAE ưa chuộng.

 

Trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu đang làm ăn hoặc đang có ý định tiếp cận thị trường UAE cần lưu ý tới các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE đặc biệt đối với vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội tốt cho sản phẩm rau củ quả của Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại thị trường UAE.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo