UB Kiểm tra TƯ vào cuộc vụ tài sản Phó Tổng thanh tra
Dù Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã xác minh kê khai với thực tế về tài sản của Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh là "đúng" nhưng vẫn còn phải qua cửa xác minh của Ủy ban Kiểm tra TƯ.
Trả lời trước QH, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, sau khi có thông tin qua báo chí về tài sản của Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh, TTCP đã chủ động yêu cầu ông Khánh báo cáo trước Ban cán sự về nguồn gốc tài sản và quá trình kê khai từ năm 2007.
"Qua nhiều lần kê khai trong nhiều năm, đối chiếu thấy đúng", ông Tranh cho hay và đã đề nghị ông Khánh báo cáo giải trình việc kê khai tài sản gửi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông Khánh thuộc diện cán bộ do Ban bí thư quản lý nên UB Kiểm tra TƯ đã vào cuộc. Hiện cơ quan này đang đối chiếu tài sản với kê khai để đánh giá trước khi có kết luận chính thức.
Nghiên cứu kê khai tài sản của cựu quan chức
Trong phiên chất vấn chiều, 3 ĐB Võ Thị Dung, Lê Đắc Lâm và Bùi Thị An đồng loạt đặt câu hỏi về tài sản của cựu cán bộ và đương nhiệm TTCP khiến dư luận quan tâm, được báo chí nêu thời gian qua.
Trong khi ĐB Dung quan tâm chi tiết xử lý vụ tài sản của cựu Tổng TTCP Trần Văn Truyền thì ĐB An hỏi cảm nghĩ của ông Tranh về những khối tài sản của cựu cán bộ và đương nhiệm TTCP, hay việc bổ nhiệm 60 cán bộ vội vàng của ông Truyền trước khi nghỉ hưu. ĐB Lâm đặt câu hỏi việc kiểm soát kê khai tài sản thu nhập của cán bộ về hưu như báo chí nêu vừa qua.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho hay, trong quy định của pháp luật không có quy định cán bộ về hưu phải kê khai tài sản thu nhập. Tuy nhiên, thời gian qua, theo dõi việc kê khai tài sản của cán bộ về hưu, còn đang tại chức chưa phát hiện dấu hiệu không trung thực. Do chưa có quy định nên TTCP đang nghiên cứu đề xuất làm thế nào quản lý đồng bộ tất cả.
Liên quan tài sản của ông Trần Văn Truyền, Tổng TTCP cho hay, ông Truyền là Tổng TTCP giai đoạn 2006-2011, sau khi nghỉ hưu đã chuyển sinh hoạt về địa phương. Khi báo chí đưa tin, TTCP đã trao đổi với Tỉnh ủy Bến Tre để nắm tình hình. Ông Truyền là cán bộ thuộc diện Ban bí thư quản lý nên UB Kiểm tra TƯ cũng đang nắm tình hình, TTCP phối hợp theo dõi tài sản của ông Truyền.
"Việc này do Ban bí thư quyết định, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện", ông Tranh nói.
Trước chất vấn của ĐB Bùi Thị An về việc bổ nhiệm 60 cán bộ của ông Truyền chỉ trong thời gian ngắn từ đầu 2011 đến tháng 8 cùng năm, ông Tranh cho hay thông tin báo chí nêu là chính xác. Nhu cầu bổ nhiệm là có, xuất phát từ việc chia tách các đơn vị, lập thêm 3 đơn vị mới. Nhưng Tổng TTCP cho rằng, việc bổ nhiệm có sơ suất, thời gian bổ nhiệm cán bộ chưa đầy đủ, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định, chứng chỉ, điều kiện, năng lực cán bộ có một số chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện TTCP đang phải xử lý 'hậu' vụ việc này như không tiếp tục bổ nhiệm hàm cấp vụ...
Hạn chế bỏ lọt tội phạm
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa -Vũng Tàu) chất vấn Tổng TTCP về nguyên nhân số vụ chuyển cơ quan điều tra ít được cho là khó xác định các thông tin về hành vi tội phạm, thiệt hại, thời gian, địa điểm, vì năng lực hạn chế của cán bộ thanh tra.
Chỉ ra yếu tố cán bộ, ĐB Hiến nêu vụ 12 công chức ngành bị xử lý thời gian qua đều do những sai phạm không liên quan đến tham nhũng (vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy trình nghiệp vụ, sinh con thứ ba...) và đặt câu hỏi về chủ trương phòng chống tham nhũng ngay trong lực lượng phòng chống tham nhũng.
Thừa nhận số vụ chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều, Tổng TTCP cho biết sắp tới, ngành sẽ 'giáo dục cán bộ' để có trình độ, khách quan và công tâm hơn, hạn chế tiêu cực và bỏ lọt tội phạm.
"Cán bộ phải am hiểu pháp luật, phát hiện được các hành vi tham nhũng thì mới kết luận được nội dung tham nhũng trong công tác của ngành thanh tra", ông Tranh nói.
ĐB Trương Văn Vở (TP.HCM) chất vấn Tổng TTCP về việc chậm ban hành các quy định về xác định trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, bảo vệ biểu dương khen thưởng người tố giác tội phạm tham nhũng cũng như xử lý những kẻ đe dọa họ.
Tổng TTCP cho biết việc xác định trách nhiệm người đứng đầu đã ghi rõ trong luật PCTN, là khâu hết sức quan trọng nên đã tham mưu Chính phủ ban hành một loạt nghị định liên quan, gần đây nhất là một nghị định của Bộ Nội vụ cách đây 2 tháng. Việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng đã có văn bản, trong khi việc khen thưởng thì Bộ Nội vụ đang chủ trì cùng TTCP và Bộ Tài chính xây dựng dự thảo thông tư, sớm ban hành.
Khi ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) hỏi kỹ hơn về việc bồi thường cho người tố cáo tham nhũng bị trù dập, ông Tranh tiết lộ dự thảo đang xây dựng trên có tính đến việc trích thưởng cho người tố cáo theo một tỉ lệ trong số tài sản do tham nhũng gây ra được phát hiện.
"Tối đa có thể lên đến 10 tỷ đồng, nhưng đây là việc quan trọng, lớn, được dư luận quan tâm nên phải xin ý kiến trước khi hoàn chỉnh thông tư", ông Tranh cho biết.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo