Pháp luật

UBND tỉnh Vĩnh Phúc “ưu ái” để nhà thầu “vừa làm, vừa chơi”?

(DNVN) – Dự án “Cải tạo sông Phan” gấp rút thực hiện với mục phòng chống lũ lụt, an sinh xã hội nhưng các nhà thầu thi công “vừa làm, vừa chơi” mà vẫn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc “ưu ái” khiến dư luận khó hiểu?

Dự án “vừa làm, vừa chơi”?

Dự án xây dựng công trình Cải tạo sông Phan đoạn từ cầu Vàng đến cầu Thượng Lạp (K8+269 – K21+156) chạy qua địa bàn 6 xã thuộc huyện Tam Dương và Vĩnh Tường là một trong những dự án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc mong ngày hoàn thiện để phòng chống lũ lụt, bà con yên tâm sinh sống nhưng đang trong trạng thái “vừa làm, vừa chơi” mà vẫn được chính quyền tỉnh “ưu ái”?

Liên tiếp được gia hạn 3 lần nhưng dự án vẫn đang trong giai đoạn mới khởi công?

Qua tìm hiểu, dự án Cải tạo sông Phan được chia làm 3 gói thầu, trong đó Gói thầu số 1: Xây lắp từ cầu Vàng đến đường vào nhà máy gạch Kim Xá (K8+269 – K11+389). Nhà thầu thi công là Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái; Gói thầu số 2: Xây lắp từ đường vào Nhà máy gạch Kim Xá đến hết địa phận xã Kim Xá (K11+389 – KM14+985), nhà thầu thi công là Công ty CP đầu tư XNK xây dựng và phát triển giáo dục Thăng Long; Gói thầu số 3: Xây lắp từ hết địa phận xã Kim Xá đến cầu Thượng Lạp (KM14+985-K21+156), nhà thầu thi công: Công ty CP Ao Vua và Công ty CP Đông Phong.

Dự án cấp thiết này thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính Phủ và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 100 tỷ đồng. Yên tâm về nguồn vốn, được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện việc thi công nhưng các gói thầu của dự án đều chậm tiến độ. Điều này khiến cho dư luận đặt nghi vấn về việc nguồn vốn được “rót” để thi công không dùng đúng mục đích hoặc sử dụng nguồn vốn vào mục đích khác?

Được tạo mọi thuận lợi để thi công dự án, nguồn vốn “rót” đều đặn nhưng các nhà thầu vẫn tỏ ra yếu kém khi liên tiếp làm chậm tiến độ của công trình. Phải đến 3 lần UBND tỉnh Vĩnh Phúc gia hạn thực hiện hợp đồng thi công, thời gian gia hạn hợp đồng lần 3 đến ngày 30/04/2015 nhưng dự án vẫn đang trong tình trạng “rùa bò”. 

Nhà thầu kém năng lực, bao giờ thu hồi dự án?

Để làm rõ nguyên nhân dự án “Cải tạo sông Phan” gấp rút thực hiện với mục đích phòng chống lũ lụt, an sinh xã hội nhưng các nhà thầu thi công nhiều lần làm chậm tiến độ, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Vũ - Trưởng ban QLDA Sở Nông nghiệp và PTNN Vĩnh Phúc. 

 

Ông Nguyễn Tuấn Vũ trao đổi về Dự án sông Phan.

Qua trao đổi, dưới góc nhìn của người quản lý ông Nguyễn Tuấn Vũ cho biết: “Việc giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc. Giao thông không thuận tiện, sông Phan lại là nơi chứa nước hồi quy khiến việc thi công gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ quan nữa là các nhà thầu không tự khắc phục khó khăn. Khi có mặt bằng và mực nước thuận lợi thì họ không kịp thời đưa phương tiện máy móc vào công trường. Khi tập kết được vật tư, nhân lực và phương tiện thì điều kiện thi công gặp bất lợi."

Cũng theo ông Vũ, BQL đang báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc để xin gia hạn thời gian hoàn thành đến hết năm 2016. Việc này cũng liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn của dự án. Đến hết năm 2016, nếu nguồn vốn dự án không được giải ngân hết thì sẽ bị thu hồi lại. Đối với những nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ xử phạt theo các quy định của pháp luật và cam kết của hợp đồng. Nếu nói như cách của ông Vũ thì 3 lần trước làm chậm tiến độ cơ quan chức năng đã xử lý theo pháp luật và cam kết của hợp đồng chưa?

Dự án Cải tạo sông Phan đang là điểm “nóng” của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng các nhà thầu vẫn thi công theo kiểu “rùa bò”. Nếu trường hợp xảy ra lũ lụt thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Có xứng đáng với những đồng tiền thuế mà nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đóng góp hay không?

Câu hỏi trên xin gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan ban ngành liên quan. Hy vọng các vị sớm vào cuộc khẩn cấp, làm rõ sai phạm, kiên quyết xử lý những trường hợp nhà thầu thi công chậm tiến độ, lỡ kế hoạch phòng chống lũ lụt, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, cá nhân có sai phạm.

Nên đọc


Tuấn Kiệt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo