Quốc tế

Ukraine đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Ukraine lại vừa trải qua một tuần nặng nề, không chỉ bởi tình hình chiến sự ở miền Đông có nguy cơ tái bùng phát, mà còn vì tình trạng nguy cấp của nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ 100%.
 
Tin dữ dồn dập khi có tới 46 ngân hàng Ukraine đồng loạt thông báo phá sản, đẩy chính quyền Kiev vào tình thế phải phụ thuộc nhiều hơn vào Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia ủng hộ cuộc cách mạng Maidan trong bối cảnh quỹ bảo hiểm tiền gửi không đủ. Trong khi đó, Hội đồng các chủ nợ tư nhân của Ukraine, nắm giữ khoảng 10 tỷ USD trái phiếu nước này đã lên tiếng phản đối bất kỳ thỏa thuận xóa bỏ nợ nào trong kế hoạch tái cấu trúc nợ của chính quyền Kiev. Động thái đó đe dọa nghiêm trọng tới việc thuyết phục Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chấp thuận gói cứu trợ cho Ukraine. Theo IMF, điều kiện để Kiev nhận được số tiền 17,5 tỷ USD từ định chế tiền tệ lớn nhất thế giới vào cuối tháng 5 này là phải tái cấu trúc khoản nợ 15,3 tỷ USD cho các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài ra, số nợ của Ukraine sẽ phải ở dưới mức 71% GDP cho tới năm 2020 và ngân sách quốc gia nước này phải ở mức trung bình 10% so với GDP từ năm 2019 tới năm 2025.
 
Cuộc sống người dân Ukraine ngày càng khó khăn do khủng hoảng kéo dài.
 
Trong khi đó, số nợ mà Ukraine đang phải gánh ước tính vào khoảng 50 tỷ USD và Kiev sẽ phải trả khoảng 10 tỷ USD tiền nợ trong năm nay, bao gồm các khoản vay nước ngoài và trái phiếu chính phủ. Nợ công của Ukraine cũng đã chiếm tới 71% GDP của nước này và dự đoán sẽ tăng lên mức 94% GDP vào cuối năm 2015. Chủ nợ tư nhân lớn nhất của Ukraine, Tập đoàn Blackstone cho rằng có thể cung cấp cho chính quyền Kiev sự trợ giúp tài chính cần thiết, song không liên quan tới việc thu nhỏ số nợ gốc. Còn Nga, chủ nợ lớn thứ hai của Ukraine tuyên bố không chấp thuận bất kỳ phương án tái cấu trúc nào cho khoản nợ 3 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng 12 năm nay. Chưa hết, Ukraine còn phải tìm cách trả số nợ 2 tỷ USD chi phí tiêu thụ năng lượng cho Nga nếu muốn tiếp tục được nhận khí đốt.
 
Theo nhiều chuyên gia phân tích kinh tế, mặc dù các lãnh đạo Ukraine đã thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm đưa nước này thoát khỏi tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như là "muối bỏ bể" trong bối cảnh đất nước bên bờ Biển Đen phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng toàn diện. Hiện tại, lãi suất tín dụng của Ukraine đã lên tới con số 30% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế mà hãng định giá tài chính Bloomberg theo dõi. Việc tăng lãi suất có thể ngăn ngừa xu hướng leo thang chóng mặt của lạm phát và đà mất giá không phanh của đồng nội tệ. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi bởi không ít công ty và hộ gia đình rơi vào cảnh điêu đứng khi tiếp cận với nguồn vốn vay.
 
Các hoạt động đầu tư quốc tế là một trong những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế Ukraine bên cạnh các gói cứu trợ chính thức từ IMF hay chính phủ các nước phương Tây. Và có thể nói, một phần lý do dẫn đến sự tan hoang của kinh tế Ukraine hiện nay là bởi các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi quốc gia này do cuộc xung đột quân sự. Việc các nhà đầu tư quay trở lại sẽ giảm bớt gánh nặng trên vai chính phủ Kiev, nhưng khả năng này rất khó diễn ra trong bối cảnh tình trạng bất ổn vẫn chưa thể chấm dứt.
 
"Chiếc phao" duy nhất đối với Kiev vào thời điểm này là hội nghị các nhà tài trợ sẽ diễn ra vào cuối tháng 4. Nếu không tìm kiếm được giải pháp cho tình trạng hiện nay, Ukraine sẽ phải đối mặt với một nguy cơ cực xấu.
 
Theo HNM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo