Thị trường

UN ESCAP dự báo lạm phát ở Việt Nam giảm xuống mức 2,5% trong năm 2015

Theo dự báo của Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), lạm phát của Việt Nam đã giảm từ mức 2 con số năm 2011 xuống còn 4,1%năm 2014 và được dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống mức 2,5% trong năm 2015.

Hôm 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo khảo sát kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2015.

Theo báo cáo, UN ESCAP cho rằng hoạt động xuất khẩu và đầu tư, cũng như khả năng phục hồi tương đối của sức mua hộ gia đình và các ngành kinh tế định hướng phục vụ nhu cầu trong nước sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay và năm tới.
 
Báo cáo của ESCAP dự báo trong năm 2015 và năm 2016, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tăng nhẹ lên mức 6,1-6,2% nhờ vào xuất khẩu và đầu tư, cũng như khả năng phục hồi tương đối sức mua của hộ gia đình và các ngành kinh tế định hướng phục vụ nhu cầu trong nước. 
 
Giá cả ổn định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số năm 2011 xuống 4,1% trong năm 2014 và được trông đợi sẽ tiếp tục xu hướng giảm xuống mức 2,5% năm 2015.
 
Tiến sỹ Alberto Isgut - Đại diện Vụ Phát triển và Chính sách vĩ mô, Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc công bố báo cáo.
 
Báo cáo của ESCAP cũng cho thấy số lượng các doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động còn cao. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, dù có tăng lên mức 12,6% vào tháng 12/2014. Ngay cả trong xuất khẩu, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng mạnh hơn nhiều so với các công ty trong nước, trong khi mức tăng trưởng việc làm khiêm tốn 0,8% chủ yếu do ngành công nghiệp và xây dựng mang lại.
 
ESCAP cũng cho rằng tình hình xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đang có xu hướng giảm do ảnh hưởng của giá dầu thế giới sẽ được bù đắp bằng lợi ích về an sinh xã hội do mức lạm phát thấp. Ngoài ra, việc đa dạng hóa thành công hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong10 năm qua đã giúp giảm thiểu tác động của việc giá dầu giảm.
 
Theo UN ESCAP, yếu tố quan trọng nhất đối với triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam là quá trình tái cơ cấu các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Về tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang trực tiếp hỗ trợ hoạt động mua bán và sáp nhập một số ngân hàng gặp khó khăn với mục tiêu giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới.
 
Đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tiến sỹ Alberto Isgut - Đại diện Vụ Phát triển và Chính sách vĩ mô, Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc cho biết, các nước đang phát triển tại khu vực này đang tiếp tục đạt được những tiến bộ so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng những yếu kém về cơ cấu đã hạn chế đà tăng trưởng.
 
UN ESCAP dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại khu vực sẽ chỉ đạt mức 5,9% trong năm 2015, tăng nhẹ so với mức 5,8% của năm 2014, và dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể trong năm 2016. Tỷ lệ lạm phát cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, nguyên nhân chủ yếu do giá dầu trên thế giới thấp, điều này đã dẫn đến việc cắt giảm lãi suất trong nhiều nền kinh tế của khu vực.
 
Báo cáo cũng cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của các nền kinh Châu Á-Thái Bình Dương được đánh giá là đang bị hạn chế bởi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu hàng hóa của một số nước. Trong khi đó, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, đặt ra thêm thách thức cho tăng trưởng của khu vực.
 
Chính vì thế, trong văn bản báo cáo của Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc cũng đưa ra khuyến nghị cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đó là việc áp dụng một tập hợp với 15 chỉ số của các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường phát triển nhằm đánh giá toàn diện hơn về mức độ của tăng trưởng bao trùm; khuyến cáo các quốc gia phải có quan điểm chính sách kinh tế rõ ràng và chủ động. 
 
Các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng cần phải đạt được sự tiến bộ trong việc đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, bằng cách mở rộng tiếp cận đối với giáo dục có chất lượng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
 
Ủy ban kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc ủng hộ các quốc gia thúc đẩy bình đẳng về cơ hội và các thúc đẩy tạo việc làm thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công nghiệp hóa nông thôn, với việc khu vực tư nhân tham gia giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện hơn.
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo