Ung dung nhờ khoác áo hợp tác xã
Lách luật để hưởng ưu đãi
Cơ ngơi ngút mắt của Hợp tác xã Đầu tư - Xây dựng - Quản lý và Khai thác chợ Hải An (Hợp tác xã Hải An) ở Bắc Giang khiến ngay cả chuyên gia trong ngành cũng phải bất ngờ.
Nhìn tập giấy chứng nhận đầu tư của 30 dự án các loại mà Hợp tác xã Hải An đã và đang thực hiện với vai trò là chủ đầu tư, mới thấy tầm vươn đáng nể của hợp tác xã này. Có thể kể một số dự án tiêu biểu, như Khu vui chơi giải trí tại Công viên Trung tâm TP. Bắc Giang (diện tích trên 43.000 m2); Dự án đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Chàng (tại xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang, với diện tích trên 14.300 m2); Dự án Trạm dừng nghỉ Bến xe khách kết hợp kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại Quế Võ (tại Bắc Ninh, với diện tích 42.000 m2); Dự án đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Cái Dăm (tại Quảng Ninh, với diện tích 4.475 m2)...
Tổng vốn đầu tư của hợp tác xã này đã lên tới con số ngàn tỷ đồng. Doanh thu năm 2011 đạt khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu từ hoạt động quản lý chợ.
Tạm chưa đề cập các ưu đãi hiện hành dành cho hợp tác xã, chỉ tính riêng khoản giảm 50% giá thuê đất hàng năm cho đối tượng này, có thể tính ngay khoản lợi ích mà Hợp tác xã Hải An thu được mỗi lần mở rộng hoạt động của mình. Ngay ông Dương Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hải An cũng thừa nhận, chỉ riêng dự án tại Quảng Ninh, Hợp tác xã tiết kiệm được 20 tỷ đồng tiền thuê đất. “Phần lợi nhuận mà Hợp tác xã có được sẽ được phân chia cho xã viên, trích thưởng cho người lao động”, ông Chiến cho biết.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu như danh sách 9 xã viên của Hợp tác xã Hải An với tổng vốn điều lệ là 155 tỷ đồng này không chỉ toàn vợ, con và người nhà của ông Chủ nhiệm hợp tác xã. Đó là chưa kể, mức góp vốn của các xã viên trong hợp tác xã không đúng theo quy định về tỷ lệ giới hạn cao nhất là 20% của Luật Hợp tác xã 2003. Theo ông Lê Nho Bảo, một xã viên của Hợp tác xã Hải An, đồng thời là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hải An, một xã viên pháp nhân của Hợp tác xã Hải An, 60% vốn điều lệ do Chủ nhiệm Hợp tác xã Hải An đóng góp, Phó chủ nhiệm góp 20% và 20% còn lại chia đều cho các xã viên khác.
Trả lại đúng tên
Có thể thấy ngay, ngoài cái tên hợp tác xã, hoạt động của Hợp tác xã Hải An không khác một doanh nghiệp gia đình. Ngay chính ông Chủ nhiệm Dương Văn Chiến cũng thừa nhận, thành công của Hợp tác xã chủ yếu là nhờ tên tuổi của ông và việc sử dụng mác hợp tác xã để hưởng các ưu đãi khi thực hiện các dự án. “Nhiều địa phương khi biết được ưu đãi mà Hợp tác xã được hưởng mới hiểu tại sao chúng tôi không đăng ký là doanh nghiệp như họ đề nghị”, ông Chiến nói và tiết lộ kế hoạch phát triển thành liên hiệp hợp tác xã trong nay mai…
Sự bành trướng nhanh chóng của Hợp tác xã Hải An không phải là câu chuyện phải bàn, thậm chí có thể là hình mẫu cho nhiều doanh nghiệp. Song nếu như đặt cạnh những khó khăn của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương), với 20 xã viên đang phải đối mặt, thì sự không bình đẳng do không rõ ràng về bản chất của hợp tác xã và doanh nghiệp trong quy định của Luật Hợp tác xã 2003 thể hiện rất rõ.
Ông Nguyễn Khắc Chức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng cho biết, các xã viên đang được hưởng lợi ích từ việc Hợp tác xã trở thành đại lý cấp 1 của Công ty Thức ăn chăn nuôi CJ (Hàn Quốc). Với cơ chế này, mỗi bao cám mua của Hợp tác xã, xã viên được lợi 15.000 - 18.000 đồng so với mua ở bên ngoài.
“Số vốn góp của xã viên là 2 triệu đồng/người, dùng để làm quỹ chung cho các hộ xã viên vay với lãi suất thấp để xây dựng chuồng trại. Có những người đóng hơn, nhưng không nhiều. Hiện tại, để có tiền mua cám khoảng 1.000 tấn/năm (khoảng 1 tỷ đồng/tháng), nhằm được hưởng mức chiết khấu cao nhất, sổ đỏ của những người trong Ban quản trị đều nằm ở ngân hàng”, ông Chức nói và cho biết, việc vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0,65% là rất khó. Hơn thế, việc mở rộng phát triển quy mô Hợp tác xã cũng không dễ dàng, vì hoạt động chăn nuôi cần diện tích lớn, mà Hợp tác xã không dễ tiếp cận, dù hiện tại, Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Nam Hưng cũng đã được giao diện tích 2.000 m2 để hoạt động.
Có thể thấy, nếu còn doanh nghiệp khoác áo hợp tác xã, thì những cơ chế, chính sách ưu đãi mà Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong xã hội sẽ không đạt được mục đích. Hơn thế, sự không tách bạch rõ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp cũng sẽ khiến hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động cảm thấy sự bất công trong cạnh tranh với các hợp tác xã trá hình.
Đây là lý do mà ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải nhanh chóng làm rõ bản chất của hợp tác xã để tránh tình trạng núp bóng hưởng lợi như hiện nay. “Khi Luật Hợp tác xã được thông qua và có hiệu lực, chỉ những hợp tác xã đủ điều kiện mới được hoạt động. Mục tiêu là tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã”, ông Đông nhấn mạnh.
Điều đó có nghĩa là, những mô hình núp bóng hợp tác xã sẽ phải căn chỉnh lại, trở về đúng tên gọi của mình một cách sòng phẳng. Theo Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, các hợp tác xã hoạt động không đúng bản chất sẽ phải chuyển đổi trong vòng 36 tháng.
Một số điểm tồn tại của Luật Hợp tác xã năm 2003
|
Ý kiến - Nhận định
Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đang trình Quốc hội đã thể chế hóa đầy đủ hơn tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về kinh tế tập thể. Cụ thể, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) khắc phục bất cập cơ bản của Luật Hợp tác xã 2003 là chưa làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về kinh tế tập thể, từ đó góp phần dẫn đến nhận thức chưa thống nhất và đầy đủ về bản chất tổ chức hợp tác xã.
Không có nước nào coi hợp tác xã là doanh nghiệp. Hợp tác xã là tổ chức của tập thể xã viên, được thành lập để đáp ứng nhu cầu chung của chính họ. Mục đích hoạt động của hợp tác xã là tối đa hoá lợi ích cho thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung. Định nghĩa hợp tác xã này cũng đã được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Doanh nghiệp chỉ có thể là công cụ để hợp tác xã sử dụng nhằm thực hiện mục đích chung này. |
Việt Huế (Theo Báo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo