Ưu tiên giải quyết bài toán thị trường
Trước khả năng sản lượng phân urê sẽ tăng cao hơn nhu cầu sử dụng trong nước và sản phẩm cao su đang gặp khó về thị trường, tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các đơn vị trong tập đoàn ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển thị trường và coi đây là giải pháp trọng tâm trong năm 2013.
Được ghi nhận là một trong những nhân tố đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của toàn tập đoàn trong năm vừa qua, sản xuất phân bón tiếp tục khẳng định vai trò là “đầu tàu” với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 25.704 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 50% tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành hóa chất. Trong đó, sản phẩm phân urê đã gây ấn tượng mạnh với sức tăng trưởng sản lượng 63%.
Tuy không chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhưng năm vừa qua, sản phẩm cao su lại tạo được dấu ấn đáng kể khi đạt được kim ngạch xuất khẩu tương đối tốt trong bối cảnh phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt và nạn hàng giả tràn lan trên thị trường. Cụ thể, năm 2012, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cao su đạt 55,86 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.266 tỷ đồng, bằng 99,3% năm 2011 và doanh thu đạt 7.273 tỷ đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ.
Với những kết quả đã đạt được, sản phẩm phân bón và cao su được ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Vinachem đánh giá là điểm nhấn của tập đoàn trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, khi bàn về những giải pháp phát triển sản xuất phân bón năm 2013, ông Chu Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vinachem lại lo lắng: Sau một thời gian chạy thử, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã dần đi vào ổn định, điều đó cũng có nghĩa sản lượng phân urê cung cấp cho thị trường sẽ tăng nhanh chóng trong năm 2013. Chẳng kể đâu xa, tính đến cuối năm 2012, nhà máy đã sản xuất được 300.000 tấn urê nhưng chỉ tiêu thụ được 80.000 tấn. Như vậy, tới khi Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động ổn định, sản xuất 560.000 tấn mỗi năm cùng với sản lượng của Nhà máy Đạm Hà Bắc, Đạm Cà Mau thì sức cung urê trong nước sẽ tăng cao hơn cầu rất nhiều. Và nếu không có giải pháp tốt về thị trường thì sẽ rất khó cho các DN sản xuất phân bón.
Cũng bày tỏ sự băn khoăn về tình hình thị trường của các sản phẩm cao su trong năm 2013, ông Phạm Hồng Phú, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam cho biết: Dự báo năm 2013 sẽ lại là năm “vất vả” cho các DN sản xuất sản phẩm cao su bởi nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, sản phẩm lốp ô tô truyền thống (lốp bias) của ngành đang bị “lép vế” trước sản phẩm lốp radial toàn thép nhập khẩu. Tính đến hết năm 2012, lốp toàn thép đã chiếm tới 85% thị phần lốp ô tô trong nước, tăng 10% so với năm 2011. Thị phần lốp xe máy cũng đang bị sụt giảm nghiêm trọng do sự cạnh tranh của các DN FDI tên tuổi lớn. Nạn hàng giả, hàng nhái đang rất nhức nhối khiến các DN trong ngành đã khó lại càng thêm khó. Duy chỉ có sản phẩm lốp mỏ được xuất khẩu sang các thị trường ngách là điểm cộng của các DN sản xuất cao su năm qua.
Trước sự băn khoăn, lo lắng của các DN về tình hình thị trường trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đề nghị Vinachem cũng như các DN thành viên ưu tiên giải quyết bài toán thị trường. Theo đó, với sản phẩm phân urê, sau khi cân đối và đảm bảo nhu cầu trong nước, Vinachem cần đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu phân bón. Với sản phẩm cao su, các DN trong ngành cần thay đổi công nghệ sản xuất cho sát với nhu cầu của thị trường, theo dõi sát các thị trường xuất khẩu để có sự điều chỉnh thích hợp và cần tận dụng những thị trường mà các DN đã xuất khẩu được sản phẩm trong năm vừa qua.
Ngoài ra, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hóa chất, Bộ trưởng cũng lưu ý Vinachem và các DN thành viên đảm bảo chất lượng, yếu tố môi trường… cho các dự án đầu tư trọng điểm sẽ thực hiện trong năm 2013. Nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường tiêu thụ sản phẩm của các thành viên trong tập đoàn và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng là bảo vệ chính bản thân DN.
Nhật Minh (Theo VEN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo