Ủy ban Kinh tế Quốc hội "gỡ rối" cho metro Bến Thành - Suối Tiên
Ngày 25/6, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có buổi tham quan thực địa tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đoàn công tác cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực Depot Long Bình, ga Thủ Đức, nhà ga Ba Son và ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1.
Trên các công trường, đoàn công tác đã nghe báo cáo thực tế công tác thi công, những thuận lợi và khó khăn của dự án.
Chuyến thị sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra trong bối cảnh UBND TP đang chờ cấp thẩm quyền (Quốc hội) thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Tuyến metro số 1 của TPHCM bị đội vốn từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng. Do chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên dự án gặp khó khăn trong việc bố trí vốn.
Việc bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 chưa đáp ứng theo nhu cầu. Việc này làm ảnh hưởng đến việc thanh toán cũng như khả năng các nhà thầu giảm tiến độ thi công, ảnh hường đến mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020.
Cụ thể, năm 2017 vốn ODA được giao chỉ là 2.119 tỷ đồng trong khi nhu cầu là 5.422 tỷ đồng (đáp ứng được 39%), giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn là 20.930 tỷ đồng thì tuyến metro 1 mới được giao 7.500 tỷ đồng (đáp ứng 36%). Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND TP đã tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Trước mắt, việc bố trí vốn năm 2018 cho dự án chưa đủ cơ sở thực hiện do tổng mức đầu tư mới chưa được Quốc hội xem xét, thông qua.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, đoàn các Ủy ban của Quốc hội vào khảo sát thực tế việc triển khai tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và tuyến metro 3a; đồng thời làm việc với UBND TP về tuyến metro số 2.
UBND TP và các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội sẽ phối hợp với nhau để đảm bảo đưa tiến độ giải ngân nguồn vốn về các dự án metro của TPHCM phù hợp với Hiệp định vốn vay mà Chính phủ đã ký kết và phù hợp với tiến độ thực tế trên hiện trường.
Đối với việc đội vốn tại dự án tuyến metro số 1 và số 2, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, đoàn sẽ cùng với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tìm hiểu xem việc đội vốn các dự án thay đổi gì về thiết kế, hướng tuyến, kết cấu, chiều dài tuyến và công năng sử dụng của các nhà ga, dẫn đến tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cùng với đoàn các cơ quan của Quốc hội thì Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ cùng làm việc chung với TP để trao đổi những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thành phố. Vấn đề nào vượt quá Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố thì kiến nghị để xem xét biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Kiên cũng đưa ra ý kiến về việc TPHCM có kiến nghị muốn “tự quyết” việc phê duyệt dự án đầu tư đường sắt đô thị.
Ông Kiên cho biết, Luật Đường sắt năm 2005 và Luật Đường sắt mới 2017 đều quy định các tuyến đường sắt đô thị do UBND tỉnh và TP trực thuộc Trung ương quyết định đầu tư nhưng phải theo quy định thống nhất của Luật Ngân sách và Luật đầu tư công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM là cở sở pháp lý để tạo điều kiện về cơ chế chính sách để TPHCM năng động và thực hiện vai trò đầu tàu phát triển kinh tế đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước