Xã hội

Ủy thác đầu tư: Cẩn trọng với lãi suất “khủng”

“Trong hoạt động ủy thác đầu tư, người ủy thác cần phải hiểu rằng đây cũng là một hoạt động cho vay bình thường, không thể có chuyện lãi suất quá cao, quá “khủng”. Nếu có thì rất có thể liên quan đến lừa đảo. Đây là điểm quan trọng mà người ủy thác cần lưu ý trước khi quyết định bỏ tiền vào kênh này” - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Chuyên gia kinh tế- TS Cấn Văn Lực.

PV: Trong bối cảnh lãi suất thấp, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản chứa nhiều rủi ro, người dân đã tìm đến dịch vụ ủy thác đầu tư, với lãi suất có nơi lên tới 36%/năm. Ông có thể cho biết, ủy thác đầu tư là kênh đầu tư thế nào mà lại có khả năng sinh lời “khủng” đến vậy?

Ông Cấn Văn Lực: Về ủy thác đầu tư, bên giao vốn gọi là bên ủy thác, bên nhận vốn gọi là bên nhận ủy thác. 

Ủy thác đầu tư, hiểu nôm na là khi người dân có tiền, không biết đầu tư vào đâu, thì ủy thác cho một người và họ mang tiền đó đi đầu tư. Giống với tiền gửi ngân hàng ở chỗ người dân gửi, ngân hàng làm việc đó, thay mặt đầu tư. 

Nhưng nó khác tiền gửi ngân hàng ở hai điểm chính: Thứ nhất, tiền gửi ngân hàng thì người dân được nhận lãi suất cố định. Đối với ủy thác đầu tư, không được nhận lãi suất cố định bởi nó tùy thuộc vào sự lên xuống của khoản đầu tư đó.

Thứ hai là ủy thác đầu tư thì người giao vốn, người ủy thác đầu tư sẽ phải chịu rủi ro. Nếu như gửi tiền vào ngân hàng thì không lo rủi ro, chỉ nhận lãi suất như quy định là 7%, hoặc 8-9%/năm tùy theo mức lãi suất từng ngân hàng. Còn ủy thác đầu tư chịu rủi ro tín dụng, rủi ro mất vốn đối với khoản tiền mang đi ủy thác. 

Có 3 hình thức ủy thác: Thứ nhất là ủy thác cho vay, tức là ủy thác cho một tổ chức, tổ chức đó lại cho người khác vay. Thứ hai là ủy thác đầu tư, đó là tổ chức nào đó nhận vốn và đem đi đầu tư. Thứ ba là ủy thác cho thuê tài chính, có nghĩa là tổ chức nhận ủy thác, rồi dùng tiền đó đi mua tài sản khác để cho 1 người nào khác nữa thuê.

Nhưng theo đánh giá của tôi, việc trao vốn như thế này có thể nói mang lại khá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, bên ủy thác.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những rủi ro đó?

Ông Cấn Văn Lực: Thứ nhất là nguồn thu nhập sẽ biến động, không phải là cố định như là hình thức gửi tiền ngân hàng, như hình thức tiền gửi, tiền tiết kiệm. Trừ khi có thỏa thuận cố định về lãi suất giữa hai bên.

Có thể nói rủi ro lớn nhất đối với người ủy thác đầu tư là mất khả năng thanh toán, mất vốn. Nguồn tiền đó đầu tư vào đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào... nhiều khi người ủy thác không nắm rõ được. 

Rủi ro nữa là giữa bên ủy thác đầu tư và bên nhận ủy thác đầu tư có kiện tụng, khi hỏi nếu không có hợp đồng, khi phát sinh mâu thuẫn không biết kiện ai. Sự chủ quan của người ủy thác đầu tư là nguyên nhân khiến họ tự đẩy mình trước nguy cơ chịu rủi ro.

PV: Theo ông, để hạn chế rủi ro thì những điều gì mà nhà đầu tư cần phải  thuộc “nằm lòng”?

Ông Cấn Văn Lực: Người ủy thác đầu tư cũng phải hiểu rằng đây cũng là một hoạt động cho vay bình thường, cho nên sẽ có rủi ro. Không thể có chuyện lãi suất quá siêu phàm, quá cao đến 36%/năm như vậy. Nếu có thì rất có thể liên quan đến lừa đảo.

Trước hết, những người ủy thác đầu tư cũng phải có kiến thức nhất định về tài chính để có thể cùng với bên nhận ủy thác thống nhất xem nên đầu tư vào đâu, hình thức đầu tư như thế nào. Một nhà đầu tư chứng khoán thì phải hiểu rõ về chứng khoán, phải có thông tin, chứ nếu cứ như một người dân bình thường không hiểu gì về đầu tư thì có thể bị mất tiền rất dễ.

Nhà đầu tư cũng cần kiểm tra tổ chức nhận ủy thác đầu tư có chức năng nhận ủy thác đầu tư hay không, mức độ chuyên nghiệp đến đâu... để từ đó có quyết định đúng đắn chứ không nên tin ngay vào những mức lãi suất "khủng" mà tổ chức nhận ủy thác cam kết mang lại.

Giữa hai bên cũng sẽ phải có một hợp đồng ủy thác đầu tư với nhau. Khi người dân gửi tiền vào ngân hàng thì chỉ cần sổ tiết kiệm, coi như là hợp đồng. Còn đối với ủy thác đầu tư, ủy thác cho vay nhất thiết phải có hợp đồng, trong đó nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi của các bên theo một mẫu chung mà cơ quan Nhà nước ban hành.

Hạn chế rủi ro, còn một điều nữa là nên thỏa thuận thống nhất một mức lãi suất cố định trong 1 khoảng thời gian nào đó. Trước đây bên BIDV nhận ủy thác đầu tư từ nước ngoài, và khi đó hợp đồng họ làm rất chặt chẽ, thống nhất mức lãi suất bằng lạm phát +1-2%, như vậy thì kiểu gì cũng đảm bảo được mình không bị giảm tiền lãi. Đó là một cách.

Cách thứ hai là yêu cầu bên nhận ủy thác đầu tư bảo lãnh, bảo đảm nguồn vốn đầu tư, nếu mất vốn thì phải bù vào.Tất nhiên khi đưa ra những điều kiện như thế, ủy thác đầu tư khá chặt chẽ, chính vì thế lãi suất mà bên nhận ủy thác sẽ trả thấp hơn. Rõ ràng rủi ro hạn chế thấp nhất thì lãi suất cũng phải thấp theo.

PV: Tín dụng đen ở Việt Nam manh nha dưới dạng ủy thác đầu tư, thưa ông?

Ông Cấn Văn Lực: Việt Nam chưa có số liệu về tín dụng đen. Ủy thác đầu tư ở đây cũng có thể hiểu là một dịch vụ ngân hàng ngầm (Shadow Banking), chúng ta tự hiểu với nhau như vậy. Nghĩa là nó không hẳn là ngân hàng, cũng không hẳn là phi ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng ngầm ở Việt Nam chưa thật phức tạp nhưng cũng đang tiềm ẩn ít nhiều nguy cơ. Bên Trung Quốc cũng làm ủy thác đầu tư khá là nhiều và gặp rất nhiều rủi ro.

Rõ ràng phải có pháp luật quy định. Việc NHNN đang đưa vào khuôn khổ, xây dựng khung pháp lý chặt hơn để quản lý cũng đồng thời phải tính toán số liệu đó vào dư nợ tín dụng cũng như dư nợ đầu tư, và cũng tính toán nó vào hệ số an toàn, coi nó như một khoản đầu tư.

Đến khi hình thức ủy thác đầu tư phát triển đến mức mình khó quản lý thì tiền nong không biết đi đâu cả, kiện tụng sẽ xảy ra nhiều. Còn về kiểm soát tín dụng đen sẽ khó hơn, vì hình thức phi chính thức này đa số diễn ra ở vùng nông thôn, nơi nhận thức của người dân hạn chế. Hoạt động chả có cơ sở pháp lý nào. Cho vay lãi suất 5%/ngày, 5%/tháng… cũng chỉ hai bên tự biết với nhau. Rõ ràng khi vay như thế, người cho vay sẽ phải chấp nhận rủi ro nếu người vay bỏ trốn.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo