Vải Thanh Hà được mùa, người dân hồ hởi bán giá cao
Những ngày đầu tháng 6, dọc theo tỉnh lộ 390 từ huyện lỵ Thanh Hà chạy về khu Hà Đông gồm các xã Trường Thành, Vĩnh Lập, Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Hợp Đức, người và các phương tiện từ xe thồ, xe máy, ô-tô con cho đến xe tải trọng tải lớn chạy đan xen, qua lại như mắc cửi, nhất là ở những điểm thu mua nông sản… Tất cả là để phục vụ một mùa vải bội thu.
Chị Lê Thị Thơ, chủ một điểm thu gom vải bên đường 390 cho biết: Tôi thu gom vải cho nông dân đã hơn 20 ngày, mỗi ngày nhập từ 12 đến 25 tấn. Khoảng 10 ngày đầu vụ, giá vải quả đạt từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg, có lô vải ngon được thương lái trả tới 60 nghìn đồng/kg. Năm nay các thương lái Trung Quốc đến thu mua rất nhiều. Các doanh nghiệp trong nước cũng “bắt tay” nhau mở điểm thu gom. Huyện thiết lập giá sàn (không được thu mua với giá dưới 12.000 đồng), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương nhân hoạt động cho nên sự cạnh tranh thu mua vải quả khá lành mạnh, từ đầu vụ chưa xảy ra tình trạng tư thương ép giá, báo Nhân dân đưa tin.
Trao đổi với CAND, ông Lê Văn Tuấn ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) - chủ một địa điểm thu mua vải cho biết: “Chúng tôi về Thanh Hà thu mua ngay từ đầu vụ, giá vải năm nay cao hơn so với các năm. Bên cạnh đó, do người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt nên chất lượng và mẫu mã của vải Thanh Hà hơn hẳn so với các vùng khác. Hiện nay, chúng tôi đang thu mua vải của người dân với mức giá từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg. Sau đó, vải sẽ được đóng gói cẩn thận và được ướp đá, xuất sang thị trường Trung Quốc”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện hiện có khoảng 1.300 ha vải sớm các loại, tập trung chủ yếu ở các xã như: Thanh Bính, Thanh Cường, Trường Thành, Hợp Đức...
Hiện nay nhân dân trong huyện đang thu hoạch trà vải u hồng, giá thu mua tại các mỏ cân đạt trung bình từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg so với năm 2016. Theo đánh giá, tổng sản lượng vải sớm năm 2017 của huyện Thanh Hà đạt khoảng trên 16.000 tấn, cao hơn khoảng 30% so với năm 2016. Vải sớm của huyện chủ yếu được xuất đi Trung Quốc và một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Để đảm bảo năng suất và chất lượng quả vải, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chỉ nên thu hoạch vải khi đã đủ độ chín, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tích cực phòng trừ các loại sâu bệnh hại bằng các loại thuốc đặc hiệu và phải ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch khoảng 14 ngày.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động