Vải thủ công Việt Nam: Thách thức trước thềm hội nhập
Báo DĐDN đăng tải bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của PGS.TS Trần Mạnh về ngành dệt thủ công của Việt Nam từ nay đến mốc lịch sử AEC 2016.
Chỉ còn 8 tháng nữa cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ra đời, chúng ta sẽ trở thành công dân khối ASEAN với các quyền lợi và nghĩa vụ đặt ra cho một công dân trong khối. Vì thế cơ hội cũng nhiều nhưng thách thức cũng lớn, trong khi nền kinh tế của chúng ta vốn đã chịu nhiều thăng trầm, thua thiệt do các yếu tố khách quan và chủ quan, còn chưa có nhiều kinh nghiệm ở những sân chơi tầm cỡ.
Ngành dệt thủ công của ta rồi đây tồn tại hay không tồn tại, sau khi Công Đồng ra đời? Câu trả lời sẽ là ngành nghề chúng ta phải tồn tại và ngành dệt thủ công của chúng ta vẫn phát triển. Đó là yêu cầu của qui luật lịch sử, của lương tâm và trách nhiệm của thế hệ chúng ta và mai sau trước sản nghiệp vô giá mà tổ tiên ta để lại.
Hãy nhìn ra các nước xung quanh ta, các thành viên ASEAN để thấy rằng so với họ chúng ta đủ thông minh, khôn khéo, đầy tài năng và nghị lực để duy trì và phát triển ngành dệt thủ công của chúng ta theo kịp các nước bạn và tiến xa hơn nữa, miễn là những người lái con tàu kinh tế và thủ công nghiệp của chúng ta tỉnh tạo, khôn ngoan đi đúng hướng, đúng qui luật khách quan, với ý chí mạnh mẽ và quyết đoán.
Để tìm hiểu thêm những thành công của các nước thành viên ASEAN phát triển nhất trong khối trong quá trình mở của hội nhập toàn diện với thế giới bên ngoài, ta hãy cùng nhau nhìn vào Indonesia, Philippin, Malaysia… xem sao.
Khi thế giới đã đưa vào vận hành các thế hệ máy dệt thứ 3, thứ 4 thì ngành dệt thủ công của họ vẫn giữ chiếc khung cửi gỗ, chỉ môt vài công đoạn sản xuất của họ được điện khí hóa để giảm sức người và tăng năng suất lao động.
Hãy nhìn cách họ mặc, thứ vải họ dùng để hiểu bằng cách nào mà ngành dệt thủ công của họ không bị đe dọa, chết yểu mà trái lại vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ như thách thức với cuộc cách mạng công nghiệp hóa của ngành dệt may thế giới. Qua đó ta xem lại khả năng của ta đối phó với nguy cơ tràn ngập của họ cũng như khả năng hợp tác với họ trong lãnh vực này.
Họ mặc gì?
Người Indonesia họ mặc bộ Kebaya gồm áo bó sát người, cổ mở rộng. Các họa tiết trên áo được in hoặc dệt trên áo và một dải băng Batik choàng ngoài áo gọi là Stagen, váy kain, quấn từ eo xuống gót chân. Áo choàng của họ thường được cài trâm vàng hay bạc để phân biệt đẳng cấp
Người Malayxia mặc áo sơmi baju (sơmi ngắn) hay tekna (sơ mi ống tay dài) cùng với áo baju rompo (một loại áo gilee) quần celema ống bó, một xà rông quấn quanh eo, đội mũ tanjak (gần giống mũ calô). Giới quí tộc thì choàng thêm áo Sikap và thắt lưng kim tuyến, thêu thùa gọi là pending. Tùy mỗi vùng miền, quần áo của họ có thể chỉnh sửa đôi chút nhưng trang phục baju kurung (cho nữ) và baju malayu (cho nam) vẫn được người dân Indonesia và Bruneil coi là quốc phục của họ. Nó cũng được cộng đồng người Malayxia đông đảo di trú ở Thái Lan, Singapore, Philipine nhất là nữ giới mặc quanh năm.
Trang phục của người Thái Lan có thể chia làm 2 loại: Trang phục truyền thống và trang phục hiện đại. Đặc điểm của quần áo truyền thống của người Thái Lan là không may bó sát người. Chúng là những mảnh vải hoặc lụa ghép lại thành áo quần rất đa dạng. Trang phục bình dân gồm: Nữ là chiếc váy phasin gồm 2-3 mảnh vải ghép thành hình ống được quấn quanh lưng và gấp mép ở dưới rốn; Nam là 1 chiếc quần là những tấm vải buộc vào nhau ở giữa hai chân và vòng quanh lưng. Cả nam và nữ đều đeo túi vải trên vai để đựng đồ cá nhân. Vải may phasin của phụ nữ có thể để trơn không thêu thùa nhưng thường thì chúng có sắc mầu hoặc họa tiết riêng phân biệt sắc tộc hay địa phương. Xu hướng hiện đại hóa cách ăn mặc của Thái xuất hiện từ sau đại chiến lần thứ 2. Các bộ sắc phục truyền thống thường được mặc trong lễ hội, cưới xin….
Vải thủ công các loại
Indonesianesia đất nước của vạn dảo. Philippine với hơn 1700 đảo, Thái Lan, Malaysia… đều là những nước đa sắc tộc, đa tôn giáo cho nên vải vóc họ sản xuất ra cũng rất đa dạng, phong phú để đáp ứng các tiêu chí tôn giáo và sắc tộc của họ. Ở đây tôi chỉ nói tới thứ vải thủ công nổi tiếng nhất, chiếm vị thế quan trọng nhất trong số các sản phẩm dệt thủ công của họ, đó là vải Batik.
Vải Batik dùng để may các bộ áo quần cho các dân tộc trên đây. Vải Batik hay nói chính xác là các loại vải được tạo ra theo công nghệ Batik. Đây là lối xử lý rất thông minh khôn khéo của những người Indonesia sau đó phát triển sang các nước Malayxia, Bruneil, Singapore, Philippine và giờ đây sang nhiều nước châu phi khác. Kỹ thuật tạo vải đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ và đầy sáng tạo của người tạo mẫu. Các tấm vải cotton, tơ lụa, lanh, gai, đay…tẩy trắng, sạch đều có thể tạo thành vải batik. Người ta dùng bút rỗng chứa sáp nóng chảy vẽ lên các tấm vải đó các hình chim muông , côn trùng, hoa lá, phong cảnh …dựa trên cảm hứng, tài năng của người tạo mẫu. Các hình họa, hoa văn trên vải của họ sẽ gợi trong lòng khách hàng những rung động về tình cảm, tâm linh khi mong được khoác tấm áo đó trên mình.
Trước hàng trăm, thậm chí hàng ngàn họa tiết tuyệt đẹp khác nhau trên những tấm vải Batik có du khách nào lại vô cảm, không rung động sâu xa trong đáy lòng mà không dốc hầu bao ra mua tấm áo, tấm khăn hay chiếc túi xách bằng vải Batik !
Qui trình việc sản xuất vải Batik được thực hiện như sau: Khi các tấm lụa hoặc dải vải được thợ vẽ dùng bút sáp nóng chảy tạo mẫu xong, các tấm vải đó sẽ được ngâm trong nước 12 giờ và được khuấy đều liên tục, sau đó người ta chuyển nó sang bể nước khác rồi đập trên một phiến đá để loại bỏ các vết mầu còn sót lại. Quá trình này được lặp lại tới 3 lần sau đó các tấm khăn tấm áo sẽ mang nền màu lơ, mầu hồng, hay mầu xanh tinh khiết. Công việc đập vải có vẻ vất vả hơn về sức vóc, song với thợ vẽ thì bộ óc sáng tạo, cảm xúc sáng tác của họ mới là khâu then chốt.
Các môtip vải Batik rất phong phú và đa dạng, các hình chim thú, phong cảnh, cây cỏ..dành cho du khách nhiều bất ngờ thích thú. Các tấm vải địu trẻ em thường được in các hình thú non ngây thơ hay các bông hoa tươi mầu. Các hình thể và cảnh tượng về một thế giới bên kia được in lên trên các tấm liệm của người quá cố. Một số môtip dành riêng cho các sultan(tiểu vương) hay gia đình họ. Các tấm vải Batik có thể được dát vàng lá hoặc phủ nhũ kim, nó đánh dấu giai tầng hoặc phẩm trật của người mang nó. Những tầng lớp nghèo, bình dân thường dùng vải Batik nhuộm vàng.
Các môtip có thể được tạo bằng các bản khắc gỗ hoặc con dấu gỗ. Đây là qui trình ít khó nhọc hơn nhưng cũng không kém phần phức tạp. Trước hết người ta dùng những tấm gỗ teck phẳng và nhẵn khắc lên mặt gỗ những hình thù theo ý muốn rồi in lên mặt giấy để xác định màu sắc, nguyên liệu để pha chế các mầu. Những họa tiết đa sắc mầu có thể phải dùng đến từ 4 đến 20 bản khắc hay con dấu khác nhau. Những bản khắc đó được nhúng trong dầu trước 2 tuần để chúng “no” mà không ngấm mầu in. Sau khi các con dấu và bản khắc được nhúng mầu, chúng được in lên tấm vải, thông thường một tấm vải ít nhất có vài họa tiết trở lên cho nên những tấm vải nhiều họa tiết phải có rất nhiều thợ in khác nhau, liên tục, nối tiếp làm việc. Việc tạo các môtip là công việc của cả một nhóm thợ .
Do tính chất đặc thù của vải: đẹp đa dạng, mẫu mã gây nhiều cảm xúc, nhiều ấn tượng nên vải Batik được khắp thế giới ưa chuộng. Chỉ tính riêng Indonesia, trong vòng 5 năm, từ năm 2008 đến năm 2013 họ đã đưa doanh thu từ vải thủ công Batik này lên gần lên 10 lần (từ 32 triệu đô la Mỹ năm 2008 lên 300 triệu đô la mỹ năm 2013, chủ yếu xuất sang Hoa kỳ , Đức , Hàn quốc), thu hút 3,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng Batik.
Thay cho lời kết
Khi xem kết quả nghiên cứu thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) thì tổng doanh thu của các ngành thủ công nghiệp Việt Nam năm 2014 la gần 1 tỉ đôla Mĩ nhưng đó là thu do nhiều ngành mang lại như chế biến thực phẩm, chế tác vàng bạc, sản phẩm mây tre đan... Số thu của dệt thủ công, thổ cẩm thì không nói rõ. Song suy cho cùng doanh thu này hẳn còn rất khiêm tốn. Ngay nhìn vào thu nhập của làng nghề Vạn Phúc, một làng nghề dệt nổi tiếng nhất của ta là 27 tỷ đồng/ năm, tương đương gần 1.4 triệu đô la Mỹ thì ta không thể không suy nghĩ trước thưc trạng đáng lo ngại này: Đất trồng dâu ngày càng thu hẹp, trước làn sóng đô thị hóa và công nghiệp hóa .Ngành tằm đang ngày càng khó khăn, rõ ràng chúng ta phải tìm cho nó một hướng đi khả dĩ, một con đường rộng mở hơn.
Nên chăng song song với duy trì và phát triển ngành lụa tơ tăm như một loại hàng truyền thống cao cấp, đặc biệt với sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước, chúng ta cần tìm cách Batik hóa ngành dệt thủ công của Việt Nam hoặc tìm ra một hướng đi tương tự ngay từ bây giờ để không lệ thuộc quá nhiều vào lá dâu, con tằm… Hướng đi này nhiều nước trong khu vực như Malaysia. Philippine, Bruneil đã và đang làm và họ làm rất kết quả. Ngoài ra phải kể tới nhiều thuận lợi khác trong thay đổi qui trình Batik hóa này: đầu tư không quá tốn kém, nguốn vải của ta rất phong phú, chất liệu tạo mầu có sẵn trong cỏ cây, rừng núi. Người Việt ta lại rất thông minh, cần cù, khéo léo và rất năng động. Đặc biệt khi áp dụng công nghệ vải Batik này, chúng ta không phải trả một xu lệ phí bản quyền nào, vì bản quyền này thuộc về các Pharaon Ai Cập mà các vị đó thì đã về hầu Trời cách thế hệ chúng ta hơn…5000 năm rồi.
Theo PGS.TS Trần Mạnh/DĐDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo