Quốc tế

Vai trò của Australia trong an ninh châu Á - Thái Bình Dương

Australia có vai trò trung gian quan trọng, chất xúc tác trong việc triển khai và duy trì thực hiện các sáng kiến mới trong khu vực.

Australia là quốc gia tầm trung với quyền lực và ảnh hưởng vừa phải đối với sự phát triển của cộng đồng quốc tế. Với vai trò và thế lực đang lên, Australia được xem như những “công dân quốc tế tốt”, là nhân tố có thể thúc đẩy “quy tắc luật chơi” giữa một bên là các cường quốc lớn và một bên là các quốc gia nhỏ, đặc biệt là về các quy tắc tiêu chuẩn cho những thể chế mang tính tổ chức cao.

Vai trò trung gian

Các nhà phân tích cho rằng, Australia là quốc gia hiểu rõ tầm quan trọng của xu thế xích lại gần nhau của các nước nhỏ để tránh trở thành “nạn nhân” trong các trò chơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Do đó, với các đặc điểm của thế lực tầm trung trong khu vực, Australia đang theo đuổi việc xây dựng trật tự an ninh châu Á - Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và ngoại giao.

Vị thế tầm trung còn giúp Australia có thể hành động với vai trò trung gian, xúc tác cho những sáng kiến mới, tạo thuận lợi cho những liên kết giúp duy trì những sáng kiến và quá trình điều hành hoạt động của các thể chế đa phương đã có.

Trên lĩnh vực kinh tế, sự tùy thuộc kinh tế ngày càng gia tăng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự khu vực. Vì thế, Australia cho rằng, các khía cạnh chính trị của những hiệp định thương mại song phương (FTAs) sẽ là yếu tố giúp tăng cường sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, hỗ trợ tốt cho những tính toán chính trị - an ninh của các quốc gia.

Dù FTA thường diễn ra giữa các nền kinh tế ngang hàng hoặc tương đồng, song khi FTAs kết nối với những nền kinh tế có mức độ và sự phức tạp khác nhau, ảnh hưởng của nó sẽ liên quan tới vấn đề chủ quyền của các quốc gia yếu hơn. Kết quả là FTAs có ý nghĩa rất lớn trong nền chính trị quốc tế. Do đó, Australia đã thông qua chiến lược phát triển FTA với các quốc gia khác trong khu vực nhằm đạt được các mục tiêu về an ninh.

FTA và lợi ích an ninh

Giống như Hàn Quốc, Australia cũng coi phát triển FTA là cách thức giảm thiểu nguy cơ về an ninh thông qua ràng buộc kinh tế và thực hiện FTA với đồng minh Mỹ, bất chấp một số thiệt thòi, để đổi lấy các lợi ích an ninh.

Đối với FTA Mỹ - Australia, cả hai bên đều ưu tiên thương mại tự do và luôn cố gắng giảm bớt những khó khăn trong đàm phán ký kết. Nhiều nhận định cho rằng FTA Mỹ - Australia làm hại đến lợi ích của Australia, chẳng hạn Australia sẽ phải chấp nhận sự trì hoãn tiếp cận thị trường nông nghiệp ở Mỹ hoặc FTA sẽ làm suy yếu lĩnh vực dược phẩm của Australia… Tuy nhiên FTA Mỹ - Australia vẫn được thông qua và ký kết từ năm 2005. Đối với Australia, giá trị của Hiệp định này không chỉ nằm trong yếu tố kinh tế mà còn liên quan đến những lợi ích an ninh mà nó đem lại.

Australia hiện đã thông qua FTAs với New Zealand, Thái Lan, Singapore, ASEAN, Mỹ, và đang đàm phán với các quốc gia khác như: Trung Quốc, Malaisia, Indonesia. Tới nay, Australia đã ký kết với những nền kinh tế tương đương và có tính bổ sung cho nhau. Việc hoàn thành FTA Mỹ - Australia giúp Australia tập trung hơn vào các yếu tố đáng quan ngại khác, chẳng hạn như khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước lớn tại Australia.

Tuy nhiên, dù Australia ngày càng quan ngại về vấn đề đầu tư của các cường quốc mới nổi, nhưng trên thực tế vẫn có 170-180 chính sách kinh tế xã hội với các nước lớn mới nổi được Australia chấp thuận từ tháng 11-2007 đến nay, và 60-70 chính sách được tiến hành đơn lẻ trong năm 2010.

ASEAN vẫn là sự lựa chọn

Chính sách ngoại giao châu Á của Australia dường như muốn xây dựng vai trò lớn hơn trong khu vực khi theo đuổi xây dựng Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương (APC). Cơ chế này cũng hướng tới một trật tự an ninh khu vực với Mỹ là nhân tố lãnh đạo.

Với ý tưởng xây dựng APC, Australia muốn tạo lập thể chế  khu vực bao gồm toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương, nơi có thể đưa ra những hình ảnh đầy đủ về đối thoại, hợp tác, hoạt động kinh tế, an ninh, chính trị… Thông qua cơ chế này, Australia muốn nâng cao vai trò và vị thế của mình trong khu vực. Australia coi APC là “ngôi nhà chung” cho Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia đưa ra các biện pháp hoà bình cho các cuộc xung đột, thực sự trở thành nơi các cường quốc khu vực cùng tồn tại.

Tuy nhiên, ý tưởng xây dựng APC của Australia đang gặp nhiều trở ngại vì Australia đã không có được sự ủng hộ của nhiều nước châu Á, đặc biệt là các quốc gia ASEAN vì nhiều lý do. Về cơ bản, các nước châu Á có rất ít hoặc không có lợi ích nào trong việc xây dựng thể chế mới này và coi việc thành lập APC chỉ làm phức tạp hóa cấu trúc an ninh khu vực.

Hơn nữa, các nước ASEAN cho rằng APC sẽ chỉ là một tổ chức “siêu quốc gia” bị thống trị bởi các cường quốc trong khu vực và không hề hữu ích cho ASEAN, đe dọa đến vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.

Ý tưởng xây dựng APC của Australia gặp rất nhiều khó khăn, thay vì tìm cách tăng vai trò của Mỹ trong khu vực bằng cách đưa Mỹ vào APC, song Mỹ và Nga lại được kết nạp vào EAS. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ hơn của EAS so với APC.

Các nhà phân tích còn cho rằng, ý tưởng xây dựng và phát triển APC của Australia đã bị coi là hành động tự cô lập mình khỏi các cơ chế hiện có trong khu vực. Cuối cùng, Australia đã phải tuyên bố rằng họ vẫn cam kết thúc đẩy những mối quan hệ mạnh mẽ nhất có thể với các nước Đông Nam Á, cũng như cam kết sẽ tham gia mạnh mẽ vào các cơ chế khu vực khác như EAS và APEC.

Như vậy, với tư cách là thế lực tầm trung, Australia có vai trò trung gian quan trọng, chất xúc tác trong việc triển khai và duy trì thực hiện các sáng kiến mới trong khu vực để hướng tới trật tự an ninh khu vực. Australia đang tác động mạnh vào việc xây dựng trật tự an ninh khu vực thông qua hai trụ cột chính là kinh tế và ngoại giao: Trụ cột kinh tế tập trung vào chiến lược phát triển FTA trong khu vực; trụ cột ngoại giao, tuy hướng tới vai trò lãnh đạo của Mỹ, song ý tưởng về APC hiện gặp nhiều trở ngại nên Australia vẫn phải chấp nhận đẩy mạnh quan hệ với ASEAN thông qua các cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm./.


Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo