Các môn khác

Văn hóa ứng xử trên sân golf

Có lẽ những nghi thức về phép xã giao và văn hóa ứng xử trên sân golf luôn là câu chuyện hot không có hồi kết trên các diễn đàn golf.

Golfer Nguyễn Quang Huy

Golf có những quy tắc ứng xử riêng mà không một môn thể thao nào có được. Đấy là những quy tắc ứng xử giữa golfer với nhau, golfer đối với sân golf, golfer đối với caddie phục vụ mình và các bạn cùng nhóm. Để chơi golf thì dễ, nhưng để trở thành 1 golfer đúng nghĩa thì cần phải có quá trình để quan sát để thấy được những quy tắc hành xử chung. Mỗi người đều có cách chơi của riêng mình nhưng tựu chung lại vẫn có những điểm chung là cần giữ an toàn cho bạn chơi, tôn trọng bạn chơi và caddie, đừng xúc phạm nhau gây ảnh hưởng đến người khác, tôn trọng luật chơi… Việc golfer cãi vã, văng tục với nhau, hay với caddie là chuyện vẫn luôn tồn tại và cũng đã nhắc đến rất nhiều. Thiết nghĩ cũng vì lý do chính là cay cú ăn thua trong cuộc chơi, khi những golfer coi vấn đề được thua là quan trọng, mà không phải đi chơi golf để tận hưởng những điều thú vị mà golf mang đến. Biện pháp là không nên đánh độ, hoặc chỉ chơi nhỏ cho vui, khi đó sẽ tránh được cay cú ăn thua, sinh ra những tật xấu.

Golfer Dương Quốc Bình

Như chúng ta đã biết, một trong những lý do khiến golf luôn được coi là môn thể thao lịch lãm là bởi người chơi luôn phải tuân theo những nghi thức chuẩn mực mỗi khi lên sân. Tại Việt Nam, nhiều golfer có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc cải thiện kỹ thuật và chiến thuật chơi golf. Song lại dễ dàng bỏ qua những giá trị không kém phần quan trọng khác là Luật golf và quy tắc ứng xử trên sân (Golf Etiquette) nên vô tình hành xử chưa đúng. Một phần vì họ đã không được dạy những điều đó trước khi ra sân, một phần khác là những người có trách nhiệm ở các CLB golf dường như cũng không mấy quan tâm hoặc họ ngại khi phải nhắc nhở những trường hợp hành xử chưa đúng. Thậm chí, một số sân có thói quen “chiều chuộng” các golfer bằng nhiều dịch vụ hỗ trợ kèm theo mỗi lần lên sân. Nên có những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn của sân golf về những hành vi không đúng mực của người chơi, không thỏa hiệp, không xuề xòa khi thấy cái sai trong môn chơi, nếu thấy bạn chơi dù là chơi vui nếu thực hiện không đúng luật của môn chơi thì phải nhắc nhở, 1 lần chưa được thì hai lần, hai lần chưa được thì làm nhiều lần, để dần cải thiện ý thức của golfer.

Golfer Đỗ Lại Hiếu

“Thay đổi ý thức golfer” là câu nói mà được nhắc đến nhiều như một khẩu hiệu, nhưng tôi thấy nó không có ý nghĩa lắm. Nhiều người biết mình làm sai nhưng vẫn cố tình làm, vi phạm luật chơi, gian dối điểm với họ là chuyện nhỏ. Nên những việc như vứt rác ra sân, văng tục là chuyện thường. Còn các bác đi chơi golf mà đến cắm tee phát bóng caddie cũng làm cho, thì việc nhặt bóng sau khi putt là điều không bao giờ có, họ phó mặc mọi thứ cho caddie, thiếu mỗi là đưa gậy cho caddie đánh luôn thôi. Tôi thấy chẳng có biện pháp nào để thay đổi được những “gốp phơ” đó cả.

Golfer Bạch Cường Khang

Để nâng cao được văn hóa ứng xử của golfer, tôi thấy có mấy cách sau: Thứ nhất, chúng ta cần lan tỏa từ từng golfer, chính chúng ta sẽ truyền tinh thần golf, văn hóa golf, luật golf cho những người chơi bên cạnh, cho đối tác, cho sếp, cho bạn mới chơi, thông qua các Group, Hội, Nhóm, FB… (riêng việc chỉ cho sếp thì nên nói khéo kẻo bị ghét, bản thân tôi cũng đã bị ghét đôi lần dù là từ bạn bè golf thuần túy). Thứ hai là các học viện golf, các thầy dạy golf nên trang bị cho những học viên của mình những kiến thức cơ bản, chỉ cho họ cách cư xử đúng mực trước khi lên sân. Hiệp hội golf (VGA) cần đứng ra thông qua các Hội golf địa phương, CLB là thành viên của VGA, xây dựng các buổi chia sẻ thảo luận về văn hóa ứng xử, về luật. Cho dù mục đích chơi golf của mỗi người là gì, rèn luyện sức khỏe, đối ngoại, phong trào, hay chuyên nghiệp thì các “quy tắc ứng xử” cơ bản nhất của môn chơi nên được phổ cập ngay từ đầu.

Golfer Ngô Văn Thành

Môn golf vẫn còn là môn thể thao non trẻ tại Việt Nam. Đặc thù của môn golf và điều kiện Việt Nam đã vô tình tạo cho golf vỏ bọc quá hào nhoáng so với đúng bản chất của nó: môn thể thao của giới thượng lưu. Không thể chối cãi rằng tại Việt Nam nói riêng và đa số các nước đang phát triển nói chung thì golf gần như chỉ dành cho giới có tiền và đa số là thế hệ đầu tiên chơigôn. Nhưng cũng chính vì đặc thù này mà tại Việt Nam tôi thấy đa số người chơi golf đã cầm gậy đánh bóng trước khi tìm hiểu bản chất và tinh thần của golf, để rồi khi bước vào cuộc chơi họ chỉ quan tâm đến cái tôi cá nhân, điểm số hoặc số tiền thắng thua và vi phạm tinh thần của cuộc chơi. Tôi không có ý chỉ trích ai hay hô hào khẩu hiệu hoàn mỹ gì cả, vì bản thân tôi và mọi người cũng là con người, nên bị chi phối rất nhiều vì cảm tính, lý trí và nhiều vấn đề khác. Tôi tin chắc rằng trên thế giới không ai dám tuyên bố tôi chưa từng vi phạm tinh thần của cuộc chơi, đơn giản vì họ là con người chứ ko phải cỗ máy, nhưng tôi mong tất cả những người chơi golf, trong cuộc chơi khi có băn khoăn, hoặc đôi khi đứng trước những quyết định nào đó theo 2 hướng khác nhau, thì hãy làm như tôi vẫn hay làm là nghĩ về “TINH THẦN CỦA GOLF” để sau đó cho dù ta có lựa chọn theo hướng nào, cũng có thể tin rằng ta đã cố hết sức, nếu chưa làm được hoặc làm chưa tốt thì sẽ cố gắng làm tốt hơn cho lần sau.

Hoàng Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo