Vấn nạn rửa tiền ở các ngân hàng châu Âu
Trong khi giới chức ngân hàng Anh HSBC đang phải giải quyết những rắc rối của vụ rửa tiền có liên quan tới một số tổ chức tội phạm tại Mỹ Latinh và các quốc gia Trung Đông, cũng như gánh chịu những án phạt mới của chính phủ Mexico, Moneyval, một cơ quan của Ủy ban Châu Âu EC đặc trách về vấn đề rửa tiền, lại dội thêm gáo nước lạnh vào hệ thống tài chính lục địa này khi công bố một báo cáo liên quan tới những giao dịch thiếu minh bạch của Ngân hàng Vatican (IOR).
Kết quả của cuộc điều tra do Moneyval tiến hành đã đi đến kết luận là yêu cầu Saint-Siege (đầu não của Vatican) phải tăng cường hơn nữa cơ chế giám sát đối với IOR và chỉ rõ còn rất nhiều vấn đề mờ ám trong hoạt động của IOR cần được giải quyết trong thời gian tới.
Lỗ hổng nhiều năm
Các chuyên gia của Moneyval đánh giá vai trò, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và sự độc lập của các quan chức chịu trách nhiệm về hoạt động tài chính của Vatican còn thiếu rõ ràng. Không hề có một cuộc kiểm tra nào tại cơ sở làm việc hay đối với những giấy tờ liên quan tới khách hàng được tiến hành tại IOR trong thời gian dài gần đây.
Cơ quan của EC này yêu cầu IOR phải được đặt dưới sự giám sát độc lập của các cơ quan kiểm toán trong tương lai gần.
Giống như ông chủ của HSBC, cựu Giám đốc IOR Ettore Gotti Tedeschi đã bị cách chức và đang bị điều tra với cáo buộc tham gia vào các hoạt động rửa tiền. Ông này đã trở thành đối tượng của lực lượng cảnh sát Italia từ hồi tháng 9/2010, cùng vị Tổng giám đốc của IOR Paolo Cipriani, trong đợt điều tra vì vi phạm luật chống rửa tiền của Italia.
Thống kê cho biết, trong năm 2011, Ngân hàng Italia đã phải nhờ các cơ quan luật pháp nước này can thiệp vào hàng chục vụ rửa tiền, chuyển khoản nghi ngờ có liên quan tới các giới chức nhà thờ, tôn giáo. Các đây 2 năm báo chí Italia đã vạch trần vụ việc linh mục Don Orazio đã nhận 300.000 euro không rõ nguồn gốc từ Antonino Bonaccorsi, người đảo Sicile được cho là có liên quan tới mafia, qua tài khoản tại IOR.
Chính cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã tạo thuận lợi cho các tổ chức mafia thâm nhập vào lĩnh vực tài chính bằng cách cung cấp những khoản vay với nhiều điều kiện "ưu đãi" hơn so với các nhà băng tới tay người sử dụng vốn.
Theo đánh giá của tổ chức chống tội phạm SOS Impressa được thành lập cách đây 10 năm, mafia đã trở thành ngân hàng số 1 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ khủng hoảng nhờ nắm giữ trong tay khoảng 65 tỷ euro thanh khoản.
Các băng nhóm tội phạm có tổ chức như Sicilian Cosa Nostra, the Naples Camorra hay Calabrian có một vị thế vững chãi trong kinh tế Italy và tạo ra lợi nhuận hàng năm tương đương khoảng 7% GDP của quốc gia này.
Theo IMF số lượng tiền được rửa một cách phi pháp của các tổ chức tội phạm ngầm trên thế giới chiếm khoảng 2%-5% giá trị tài sản toàn cầu, tương đương với 500 tới 1500 tỷ USD.
Gafi, một tổ chức tài chính chống rửa tiền với 31 quốc gia thành viên và có trụ sở tại Paris chuyên theo dõi hoạt động rửa tiền, cho biết nhiều quan chức, chính trị gia đã từng tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền và đây là một dấu hiệu tham nhũng.
Từ trước tới nay, việc rửa tiền chủ yếu thông qua hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, mua bán nguyên vật liệu, giao dịch thương mại và tất cả đều phải bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để chuyển thành tiền sạch.
Hậu quả các ngân hàng phải gánh chịu
Lợi dụng việc các quốc gia châu Âu đang vật lộn với khủng hoảng tài chính, hoạt động rửa tiền tại châu lục này trở nên nhộn nhịp trong vài năm trở lại đây, biến Lục địa già thành mắt xích yếu trong cuộc chiến chống rửa tiền hiện nay.
Cơ quan Tình báo tài chính FIU, có trụ sở tại Luxembourg, là lực lượng chuyên trách của châu Âu trong việc chống lại tội phạm rửa tiền bị đánh giá là chưa tạo ra được sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên trong việc ngăn chặn các đối tượng bị nghi ngờ tham gia vào việc rửa tiền.
Lực lượng tình báo tài chính có vẻ đang thiếu những công cụ để điều tra khoảng 180 cơ quan tài chính đóng tại một số thiên đường về thuế, quần đảo Malta là một trong số đó. Ở cấp độ khu vực, cuộc chiến chống rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng tại châu Âu cần có một luồng gió mới, mạnh mẽ hơn.
Cơ quan an ninh tài chính Anh FSA yêu cầu công ty quản lý tài sản nổi tiếng Coutts phải bồi thường 10 triệu euro vì đã tiếp tay cho hoạt động rửa tiền. Có thể nói, Mỹ là quốc gia khá kiên quyết đối với các loại tiền bẩn, vụ việc Mỹ gây sức ép với ngân hàng Thụy Sỹ UBS buộc ngân hàng này cung cấp thông tin của hơn 4000 khách hàng bị nghi ngờ trốn thuế và rửa tiền là một ví dụ.
Trong một động thái mới nhất, chính quyền Mexico ngày 25/7 đã yêu cầu chi nhánh của HSBC tại nước này phải nộp khoản tiền phạt 27.5 triệu USD, gần 52% lợi nhuận của ngân hàng này tại Mexico năm 2011.
Lý do đưa ra là HSBC đã không ngăn chặn kịp thời và hiệu quả những giao dịch đáng ngờ và đã không phản ứng kịp thời khi được cảnh báo về sự gia tăng đột biến về lượng giao dịch tiền mặt. Đây là án phạt kỷ lục của cơ quan giám sát tài chính tại Mexico.
Quan chức của HSBC nói rằng "Chúng tôi nhận thức được rằng trước đây chúng tôi đôi lúc đã không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mà khách hàng và giới giám sát tài chính trông đợi. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là bài học quý giá cho cả ngành công nghiệp tài chính trong nỗ lực ngăn chặn những nhân tố bất hợp pháp thâm nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu".
Tuy vậy, HSBC không phải là ngân hàng lớn đầu tiên phải đối mặt và chịu hậu quả do những cáo buộc về tội rửa tiền. Tháng trước, ngân hàng ING của Hà Lan đã phải trả 619 triệu USD tiền phạt vì đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và Cuba khi chuyển 1,6 tỷ USD thông qua hệ thống tài chính Mỹ theo yêu cầu của các khách hàng tại hai quốc gia kể trên.
Trong năm 2010, Ngân hàng đã bị phá sản Wachovia cũng đã phải trả 160 triệu USD tiền phạt với cáo buộc thiếu các biện pháp mạnh mẽ để chống lại nạn rửa tiền và để cho các tập đoàn tội phạm của Mexico và Colombia làm sạch khoảng 100 triệu USD tiền buôn bán ma túy.
Theo VEF
End of content
Không có tin nào tiếp theo