Vấn nạn tôn giả: Có một sự thỏa thuận ngầm?
Đó là những thông tin thu hút sự chú ýcủa đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo "Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện & Quản lý" diễn ra sáng nay 26/11.
Đủ chiêu "móc túi" người tiêu dùng
Hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên diện rộng từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng có. Vụ việc “nóng” lên khi gần đây những thủ đoạn sản xuất, kinh doanh tôn giả nhãn mác, gian lận về kích thước và độ dày liên tiếp bị phanh phui.
Đại diện cho doanh nghiệp chiếm khoảng 40% thị phần tôn trong nước, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ sự bức xúc trước nạn hàng giả, hàng nhái, từ việc có một số doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc nhưng in tên sản phẩm của công ty, đến việc nhập nhằng chất lượng để gian dối với khách hàng để cạnh tranh.
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh tôn giả, tôn nhái sử dụng hình thức gian lận thương mại để "móc túi" người tiêu dùng một cách tinh vi. Bằng cách cung cấp sản phẩm không đủ độ dày theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu của người tiêu dùng bằng cách tẩy xóa độ dày thực tế của sản phẩm và in lại để "nâng cao" độ dày tôn; sử dụng tôn không rõ nguồn gốc, tôn Trung Quốc kém chất lượng để in thông số mập mờ, gây hiểu lầm cho khách hàng.
Một trong những cách nhận biết đơn giản nhất là trên những cuộn tôn bị "đôn dem" (thuật ngữ trong giới kinh doanh loại tôn này) thường có ký hiệu "MSC" hoặc "MC" trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau của tấm tôn. Ngoài ra, bằng mắt thường cũng có thể thấy mặt sau của tấm tôn chỉ in độ dày là 0,35 hay 0,4 thay vì viết đầy đủ là 0,35mm và 0,4mm...
Cũng theo ông Vũ, chỉ cần trang bị máy in phun, các cơ sở kinh doanh tôn giả dễ dàng "phù phép" sản phẩm tôn kém chất lượng thành hàng chính hãng. Bên cạnh đó, hình thức gian lận nghiêm trọng không kém cũng đang diễn ra là thực trạng doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng. Số hóa đơn không xuất trở thành nguồn lợi lớn để tiếp tục mua bán hóa đơn khống trên thị trường. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh về giá, và quan trọng hơn là Nhà nước bị chiếm đoạt một khoản đáng kể thuế VAT.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cùng với tốc độ xây dựng, nhu cầu mặt hàng tôn thép ngày càng tăng, đây là cơ hội cho những hành vi trục lợi đánh vào mặt yếu của người tiêu dùng. Hành vi vi phạm tinh vi, trắng trợn không chỉ đánh vào sự thiếu kinh nghiệm của người tiêu dùng và còn có thể qua mặt cả cơ quan chức năng nếu không có thiết bị, máy móc kiểm tra để phát hiện ghi sai độ dày. Hơn nữa dường như có sự thỏa thuận ngầm giữa người sản xuất và người kinh doanh mặt hàng tôn giả này nên vụ việc càng trở nên nghiêm trọng.
“Tùy theo yêu cầu của đại lý mà người sản xuất sẵn sàng đổi trắng thay đen để biến những cuộn tôn nhập khẩu không tên tuổi “lên đời” thành bất cứ nhãn hiệu tôn có tên tuổi nào để bán ra, ăn chênh lệch. Ngoài ra cùng với độ dài cuộn tôn, thay vì cán đúng độ dày ghi trên nhãn, họ cán mỏng hơn, tôn thành phẩm sẽ nhiều hơn để thu lợi bất chính một lần nữa”, ông Hùng nói.
Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết nguyên nhân dẫn đến sự gian lận trong kinh doanh tôn, thép là do nhiều loại thép gia công dùng phôi đúc sắt, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu có khả năng chịu lực kém. Bên cạnh đó, nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng khi mua để bán hàng giả với giá thấp. Và khi khách hàng phát hiện, khiếu kiện thì lại đòi thêm tiền hoặc ép chịu chi phí đổi mới được trả lại hàng giả để lấy hàng thật.
Thiệt hại đủ đường
Theo tính toán, mỗi mét tôn giả người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000-6.000 đồng. Giả sử với một ước tính thận trọng, khoảng 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái, tương đương khoảng 346 ngàn tấn (tổng sản lượng ngành tôn năm 2014 ước tính 1,73 triệu tấn) thì số tiền thiệt hại ít nhất là 394 tỷ đồng.
Nếu riêng với Tập đoàn Hoa Sen, năm 2014 Tôn Hoa Sen thiệt hại khoảng 118 tỷ đồng tương ứng với 2,6% thị phần như đã nêu ở trên. Tính chung cả ngành tôn thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế ước tính 1.300 tỷ đồng. Đó là những con số rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Đó còn chưa kể tới việc sử dụng tôn không đảm bảo tiêu chuẩn trong các công trình xây dựng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng, gây tổn thất cũng như tốn chi phí để khắc phục, sửa chữa tình trạng hư hỏng thậm chí thay lại toàn bộ mái tôn công trình. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải xem xét vai trò quản lý của mình đối với ngành này.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái là "chuyện không của riêng ai", là mối nguy hại khôn lường với người tiêu dùng và là kẻ thù của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước. "Đến những sản phẩm như gạo, cá basa cũng bị làm giả thì nguy cơ vô cùng lớn. Đây là vấn đề của quốc gia, của dân tộc, của cả tương lai Việt Nam chứ không còn là của một doanh nghiệp, hay cá nhân nào nữa. Trong vài chục năm tới, đất nước sẽ nguy nếu con cháu chúng ta tiếp tục gian dối thế này", ông Vũ trăn trở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương