Vẫn nhiều băn khoăn về thị trường vàng
Trước những bất ổn của thị trường vàng, giảm thiểu rủi ro dự trữ ngoại tệ, giảm thiểu rủi ro vàng hóa nền kinh tế, Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền nhập khẩu vàng miếng và quốc hữu hóa thương hiệu vàng SJC, nhận định về kết quả quản lý thị trường vàng, hầu hết các báo của NHNN đều khẳng định: Đã chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hoạt động của tổ chức tín dụng; can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua đấu thầu vàng; thiết lập một mạng lưới mua, bán vàng miếng mới, có tổ chức, quản lý chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận mua, bán vàng.
Tuy nhiên, những nỗ lực của NHNN dường như cũng chưa làm hài lòng và đáp ứng được những kỳ vọng của giới chuyên gia cũng như các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng. Mới đây, cử tri TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có những kiến nghị về thị trường vàng gửi đến NHNN.
Theo đó, theo phản ánh của cử tri TP. Hồ Chí Minh, Nghị định số 24/2012/NĐ - CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện có một số hạn chế như: các điểm giao dịch vàng do Nhà nước trực tiếp quản lý chưa được công bố rộng rãi, nhiều nơi chỉ làm việc giờ hành chính, không có sẵn vàng tại nơi giao dịch; giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế...
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra không ít băn khoăn về cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng nếu tiếp tục duy trì để NHNN độc quyền kinh doanh vàng thì không ổn bởi việc này có thể đặt NHNN vào rủi ro rất lớn của thị trường vàng.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại nhiều nước khác, mỗi ngân hàng trung ương có tối thiểu 3-4 thương hiệu vàng, mỗi ngân hàng thương mại, DN lại có thương hiệu vàng của riêng mình. Theo chuyên gia này, việc quản lý độc quyền, kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như Việt Nam sẽ chỉ khiến cho giá vàng không liên thông được với thế giới, khó thu hút được vàng trong dân,khó thêm dự trữ ngoại tệ...
Trước đề nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh về việc nhanh chóng thay đổi chính sách quản lý kinh doanh vàng ở tầm vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh vàng hoạt động và phát triển, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng vàng hóa nền kinh tế gồm ba giai đoạn: Xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; Chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD); và chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng. Nhà nước sẽ thực hiện huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong hai giai đoạn đầu, NHNN đã xây dựng, tham mưu và trình Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó nòng cốt là Nghị định 24 với các mục tiêu chính là: Tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; Công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân và DN; Quyền mua bán vàng miếng tại các TCTD, DN được Nhà nước cấp phép...
Bên cạnh đó, NHNN đã thiết lập một mạng lưới mua, bán vàng miếng có tổ chức, có quản lý, được công bố công khai, rộng rãi gồm 22 TCTD và 16 DN với gần 2.500 điểm giao dịch ở 63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, từ ngày 28/3/2013 đến 31/12/2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, tổng khối lượng vàng miếng đã bán ra thị trường khoảng 68,24 tấn. Các TCTD đã sử dụng gần 30 tấn để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, số còn lại được dùng để đáp ứng nhu cầu mua vàng miếng trên thị trường.
Thông qua hoạt động đấu thầu bán vàng miếng, NHNN đã thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu. Nhờ đó, thị trường vàng miếng đã ổn định, không còn các cơn sốt vàng gây bất ổn xã hội, giá vàng trong nước có xu hướng giảm ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế”.
Ngoài ra, cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, do các TCTD đã tất toán số dư huy động, cho vay vốn bằng vàng và biện pháp bán vàng can thiệp thị trường của NHNN cũng đã phát huy hiệu quả nên khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp dần. NHNN nhận định: trong ngắn hạn, chính mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giúp cho thị trường vàng trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng thế giới. Việc này giúp ngăn ngừa tâm lý đầu cơ, do đó đã góp phần quan trọng để duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với vấn đề vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, trên cơ sở Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, để đáp ứng nhu cầu của người dân về vàng trang sức, đồng thời góp phần giảm áp lực đối với thị trường vàng miếng, hiện nay NHNN đang tổng hợp, đánh giá thị trường và mạng lưới DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ trước khi thực hiện cấp phép nhập khẩu vàng nhằm đảm bảo vàng nguyên liệu được phép nhập khẩu, sử dụng đúng mục đích.
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, NHNN sẽ hướng dẫn và có các quy định cụ thể hơn để các TCTD xem xét cho vay vốn đối với các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu vốn của DN, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đúng quy định của pháp luật. Đây cũng chính là điều mà nhiều DN vàng mong đợi nhằm có thể tạo động lực giúp cho ngành công nghiệp trang sức, kim hoàn của Việt Nam tăng tốc và phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển