Pháp luật

Vàng méo bị ép giá: Sai cả luật, cả lý, cả tình

SJC không mua lại vàng móp méo là đang làm sai cả về luật, về lý và về tình. Vì vàng gần như một dạng tiền đặc biệt - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho biết: “Ngân hàng Nhà nước chưa kịp có quy định với SJC về việc thu hồi vàng móp méo. Vì bản thân việc công nhận thương hiệu vàng này như một thương hiệu quốc gia cũng rất tù mù.

 

Đáng lẽ phải có một dự án lấy ý kiến về các tiêu chuẩn và quy định nghĩa vụ của người cung cấp vàng (trong đó có cả việc thu hồi vàng móp méo). Nói gì thì nói, SJC không mua lại vàng móp méo là đang làm sai cả về luật, về lý và về tình.

 

Vì vàng gần như một dạng tiền đặc biệt. Mà tiền còn được đổi cũ lấy mới thì vàng cũng tương tự. Việc không mua của SJC lại càng sai khi công ty này lại là độc quyền sản xuất duy nhất".

 

Ông Nguyễn Công Danh - giám đốc công ty cổ phần vàng Châu Á: Vàng SJC là vàng tiêu chuẩn, bên ngoài có bọc lớp nilon (gọi là màng TA). Chuyện vàng bị móp méo cũng là chuyện bình thường. Nhưng về mặt chất lượng vàng thì không thay đổi.

 

Vì vậy,  SJC mua lại, nếu phải gia công thì tính phí gia công, phí màng TA…Đối với các tiệm vàng khác, khi mua vàng đã được đăng ký chất lượng, cũng nên đảm bảo giá cho khách. Tính phí gia công thì được chứ không nên bắt bí, ép giá đến 2,1 - 3 triệu đồng/lượng. Làm thế thật kinh khủng. 

 

Biểu hiện của mất trạng thái hoặc bị lỗ

 

Nguyên thẩm phán Nguyễn Khoát - Toà án Thành phố Hải Phòng: Việc SJC không mua, giới hạn số lượng mua vào vàng miếng SJC bị móp méo ở mỗi giao dịch là biểu hiện việc mất trạng thái hoặc bị lỗ. Có thể khi bị lỗ, họ không muốn nhập vào giá cao, bán ra giá thấp. Sắp tới, vàng dự đoán sẽ tăng giá, nhưng vàng đang tồn kho. Đó cũng là lý do họ không muốn nhập thêm. Theo nhận định của tôi, việc điều hành của SJC “có vấn đề”. Kinh doanh vàng thể hiện ở tính thanh khoản. Anh cần (công ty kinh doanh vàng - PV) thì anh phải bán, tôi cần bán (người dân - PV) thì anh phải mua. Có thể mua với giá nọ giá kia, nhưng nếu SIC không mua là thể hiện sự độc quyền.

 

TS. Lê Thẩm Dương - trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh: “Điều đầu tiên phải xét đến lỗi của người tích trữ để vàng bị móp méo. Một cái áo may bị lỗi cũng phải đẩy ra vỉa hè để bán. Cho nên phía SJC có cái lý của họ. Tuy nhiên, SJC dựa vào cái lý của mình để “ép” khách hàng không mua, mua với giá thấp hoặc mua giới hạn đó là “con đẻ” của sự độc quyền. Đó cũng là sự biểu hiện kinh doanh không khôn ngoan. Nếu như SJC mua lại vàng bị móp méo bằng giá thực và khuyến cáo người dân phải bảo vệ món hàng đặc biệt mà mình đã mua. Việc làm đó, coi như SJC bỏ ra chi phí maketting. Như thế doanh thu sẽ rất lớn, khách hàng cũng “tâm phục””.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ): “Từ sau ngày 25.5, SJC không nhận gia công các loại vàng miếng SJC bị móp méo nữa nên vô hình trung, những miếng vàng này được xem như là nguyên liệu chứ không còn là miếng vàng. Vàng nguyên liệu thì giá trên thị trường thấp hơn vàng miếng.

 

Cũng giống như tiền, khi không đủ chất lượng lưu thông, nhiều điểm cũng không chấp nhận dùng để thanh toán. Luc đó, hệ thống ngân hàng thương mại đứng ra thu đổi những tờ tiền này (có tốn phí) để tiền được đưa vào lưu thông. Vàng miếng SJC có giá trị cao và hiện lưu thông trên thị trường nhiều. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nên cho SJC xử lý số vàng miếng móp méo này để tránh thiệt hại cho người dân”.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Việc SJC mua vàng miếng móp méo với giá thấp hơn giá niêm yết 50.000đ/lượng cũng là một giải pháp hạn chế sự thiệt thòi cho người dân. Tuy nhiên, việc các công ty vàng khác mua vàng SJC móp méo vào với giá thấp hơn nhiều thì người dân nghĩ rằng mình bị “ép giá”.

 

Nhưng rõ ràng có một áp lực nào đó “ép” lên người tích trữ vàng phải bán ra nhưng không bán ra được. Và người ta đang lo ngại, sắp tới đây các công ty kinh doanh vàng phải đăng ký lại theo đúng quy định, việc kinh doanh vàng sẽ gặp khó khăn. Vì thế, một số người có tâm lý “thoát chạy” khỏi vàng. Đó  là một trong những nguyên nhân khiến vàng đang xuống giá”.

 

Trong khi  SJC tìm đủ mọi lý do để hạn chế mua vàng vào thì, hệ thống DOJI vẫn có chủ trương mua loại vàng SIC không đủ tiêu chuẩn lưu thông với giá ngang như niêm yết và thu một khoản phí dự phòng thu đổi lưu thông. Không tiết lộ chính xác mức phí là bao nhiêu, nhưng Tổng giám đốc Đỗ Minh Phú cho biết chỉ cao hơn phí thu đổi trước đây và rẻ hơn so với cách các công ty đang mua của dân với giá vàng nguyên liệu.

 

"Tôi tin thế nào cũng phải có chính sách thu đổi vàng miếng trầy xước cho khách hàng, nên DOJI cứ thu mua nếu khách có nhu cầu. Nhưng không biết sau này SJC thu mua trở lại, mức phí gia công sẽ là bao nhiêu, nên cũng khó có thể ấn định một mức phí thu đổi cụ thể cho khách", ông Phú giải thích.

 

Theo ông Phú thì đây là cách giải quyết không quá phức tạp.

 

 

Ngân hàng Nhà nước đang xem xét

SJC cho rằng, hơn 20 triệu lượng vàng đã bán ra trên thị trường, số lượng vàng móp méo là không nhỏ. SJC đã gửi công văn lên Ngân hàng Nhà nước xin cho dập lại số vàng này để đỡ thiệt hại cho người tiêu dùng và đang chờ trả lời. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra hướng xỷ lý trong thời gian tới".

 

Theo NĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo