Vàng trang sức cũng sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt
Thay vì thả nổi như hiện nay, từng sản phẩm vàng trang sức sẽ phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Giao dịch mua bán vàng trang sức đều phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Từ tháng 5 hoặc tháng 6 tới, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện những quy định đã đưa ra trong Nghị định 24 và Thông tư 16 về quản lý thị trường vàng. Theo đó, các hộ cá thể sẽ không được tham gia vào lĩnh vực này. Những cửa hàng muốn tiếp tục kinh doanh sẽ phải thực hiện đăng ký lại.
Nhận xét về kế hoạch trên của Ngân hàng Nhà nước, đại diện một doanh nghiệp lớn nhận định việc quản lý kinh doanh vàng trang sức sẽ khó khả thi. Để quản lý được, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đưa ra những tiêu chuẩn về vàng hay việc chế tác trang sức, vốn không nằm trong chức năng của cơ quan này.
Khác với vàng miếng vừa có thể coi là hàng hóa, vừa có thể coi là tiền tệ, vàng trang sức đúng nghĩa là hàng hóa. Trong khi đó, việc quản lý hàng hóa là chức năng của Bộ Công Thương nên nếu Ngân hàng Nhà nước quản lý thì có thể gây ra sự chồng chéo lẫn nhau.
Nếu được thực hiện, việc đưa vàng trang sức vào khuôn khổ sẽ là động thái tiếp theo trong nỗ lực quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước sau vàng miếng. Từ 10/1 tới, sẽ chỉ có 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng, với hơn 2.400 chi nhánh sẽ được cấp phép lại để kinh doanh vàng miếng. Khoảng 70% số cửa hàng còn lại có thể tiếp tục được mua bán vàng trang sức cho đến khi có quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về việc quản lý mặt hàng này.
Thảo Nguyên (Theo VnExpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo