Pháp luật

Vào viện, cần cảnh giác nạn trộm cắp, lừa đảo

Giả quen bác sĩ, kẻ lừa đảo vào tận bệnh viện để lừa lấy 35 triệu đồng của bệnh nhân nghèo; bệnh nhân bị ung thư do mải chen chúc xếp hàng khám bệnh, bị kẻ trộm móc túi lấy sạch tài sản, phải xin tiền hảo tâm để mua vé về quê… là những hình ảnh thường xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, nơi đang quá tải bệnh nhân.

Trộm cắp, lừa đảo, “cò” mồi nhằm vào người bệnh khiến nạn nhân vô cùng bức xúc bởi người mà chúng ra tay đang ở bước… đường cùng.

 

Trộm cắp hoành hành ở những bệnh viện lớn

 

Sáng đầu tuần, tại khu vực xếp sổ khám bệnh bảo hiểm xã hội của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đông nghẹt người. Do mải chen lấn xếp hàng lấy số, anh Nguyễn Tuấn Đức, ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã bị kẻ gian rút trộm mất ví tiền.

 

Cầm trên tay chiếc chứng minh nhân dân, anh Đức than: “Chỉ khoảng 5 phút đứng chờ lấy số mà mất hết, ngoài tiền mặt 2 triệu đồng, còn có mấy cái thẻ ATM và toàn bộ giấy tờ”.

 

Theo lời kể của anh Đức thì 2 ngày sau, anh nhận được một cuộc điện thoại. Người gọi nói rằng họ nhặt được chiếc ví của anh vứt ở gầm cầu thang bệnh viện. Toàn bộ giấy tờ còn nguyên, duy chỉ có tiền là mất. Anh Tuấn cảm ơn rối rít đến nhận lại ví và hậu tạ người nhặt được.

 

Có mặt ở Bệnh viện K Trung ương, một nạn nhân cho chúng tôi biết: “Tôi gom góp được 6 triệu đồng ra đây chữa bệnh, nào ngờ bệnh chưa chữa được đã bị trộm lấy mất sạch. Không có tiền, tôi phải xin một cuộc điện thoại của người bệnh gọi về nhà mang tiền ra”. Đấy là người bệnh chỉ ở cách Hà Nội vài chục cây số. Có người bệnh ở xa, cực chẳng đã phải đi “xin” tiền để về quê.

 

Lợi dụng vào việc bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải tại Khoa khám bệnh, ở đây đã hình thành nên một ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp. Chúng trà trộn giả làm người đi khám bệnh, trên tay cầm sổ, chen lấn vào chỗ đông người để ra tay “đạo chích”.

 

Ngày 23/3, đang đứng đợi lấy số khám bệnh, chị Mai Song Tuyền, ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị một “nam bệnh nhân” áp sát thò tay vào chiếc túi xách chưa kéo khóa để lấy chiếc ví bên trong.

 

Đúng lúc ấy, bàn tay hắn bị lực lượng 142 Công an Hà Nội khóa chặt. Kẻ trộm giả bệnh nhân này là Tô Đình Nam, ở xóm 2, xã Tây Lĩnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình, đã có 1 tiền sự, chuyên hành nghề trộm cắp ở các bệnh viện.

 

Qua điều tra và mật phục, các Tổ công tác 142 và lực lượng liên quan Công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện ở quanh khu vực Bệnh viện 108 có một nhóm, trong đó chủ yếu là phụ nữ chuyên hành nghề trộm cắp của bệnh nhân.

 

Ngày 16/4, chị Ngô Thị Thúy, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa đang đứng mua số khám bệnh thì có một phụ nữ trung tuổi áp sát và tỏ vẻ sốt ruột vì phải chờ đợi lâu. Lợi dụng chị Thúy không để ý, đối tượng này thò tay vào túi xách của chị Thúy rút tiền nhưng đã bị lực lượng 142 bắt quả tang khi trên tay đang cầm 264.000đ.

 

Kẻ đạo chích này là Phạm Thị Hội, ở thôn Ngãi, xã Quang Bình, tỉnh Thái Bình, đã có “bộ sưu tập” tiền án, tiền sự: 3 tiền án, 4 tiền sự về tội trộm cắp. Trước đó, ngày1/4, lực lượng 142 đã bắt được Dương Mậu Khôi, ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng đang trộm cắp điện thoại của người bệnh.

 

Lừa 35 triệu đồng của bệnh nhân nghèo

 

Không những trộm cắp, đối tượng phạm tội còn vào bệnh viện để lừa tiền của người bệnh nghèo. Lợi dụng vào việc mong muốn được chữa bệnh, kẻ phạm tội đã đánh vào tâm lý của các chị em có con bị bệnh cần tiêm thuốc tốt để… trục lợi.

 

Thấy chị Cao Thị Bích Liên, ở phường Ngô Quyền, Thành phố Bắc Giang có con bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Nguyễn Thị Vân ở huyện Phổ Yên, Thành phố Thái Nguyên lân la làm quen. Vân nói là mình có mối quan hệ thân quen với bác sĩ này, bác sĩ kia sẽ nhờ tiêm cho con chị Vân thuốc tốt.

 

 

Vì mong mỏi con mau chóng khỏi bệnh, chị Liên đã nhiều lần đưa tiền cho Vân để chị ta nhờ bác sĩ. Chị đã đưa tiền nhiều lần cho Vân, tổng cộng 35 triệu đồng mà con chị vẫn không được tiêm thuốc tốt. Biết mình bị lừa, chị đã báo Công an. Lúc này, bộ mặt thật của kẻ lừa đảo mới lộ rõ.

 

Lâu nay, lợi dụng vào sự quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương, một số người đã trục lợi bằng nghề “cò” bệnh viện. “Cò” hoạt động mạnh ở Bệnh viện K, Bệnh viện Mắt Trung ương, nói rằng quen bác sĩ, được khám nhanh dẫn tới nhiều người tưởng thật bị mất tiền oan, thậm chí bị lừa trắng trợn.

 

Ngày 20/4, một nhóm phụ nữ gồm 6 người đứng ở trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương đang mời chào, lôi kéo bệnh nhân thì bị lực lượng 142 bắt quả tang.

 

Tiếp đến ngày 24/4, qua kiểm tra hành chính, lực lượng 142 đã đưa 2 “cò” Trịnh Thị Bảo, ở ngõ 73, phường Quan Nhân, quận Thanh Xuân và Trần Thị Kim Dung, ở tập thể Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) hành nghề ở trước cổng Bệnh viện K về Công an phường Hàng Bông để xử lý.

 

Với những trường hợp “cò” bệnh viện hiện chỉ xử lý hành chính về hành vi mất trật tự công cộng theo Nghị định 73 nên chưa đủ tính răn đe.

 

Thời gian vừa qua, liên quân 142 Công an Hà Nội đã cùng các lực lượng của Công an Thành phố Hà Nội ra quân trấn áp mạnh nạn trộm cắp, “cò mồi” ở các bệnh viện. Sau 6 tháng ra quân, nạn trộm cắp, móc túi, cò mồi đã giảm bớt.

 

Người nhà cũng như bệnh nhân khi đến bệnh viện cần cảnh giác với các đối tượng trộm cắp, giữ gìn tài sản cẩn thận. Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, cần báo ngay cho lực lượng bảo vệ bệnh viện hoặc Công an phường sở tại, lực lượng Cảnh sát 113 để ngăn ngừa tội phạm trộm cắp, móc túi một cách kịp thời.  

 

 

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội phó Đội 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hà Nội:

Các vụ trộm cắp trong bệnh viện, thủ phạm chủ yếu là nữ giới, do đó người bệnh ít nghi ngờ. Thủ đoạn của kẻ đạo chích là lợi dụng bệnh nhân đông, chúng cũng mua số, cầm sổ đi khám như thật. Chúng quan sát kỹ “con mồi” từ xa, áp sát sau bệnh nhân, trên tay vắt một cái áo để che cánh tay, sau đó cũng chen lấn, xô đẩy rồi móc túi. Cao thủ hơn, có kẻ đạo chích sử dụng tay vuốt nhẹ túi quần của nạn nhân, điện thoại trong túi bị đẩy lên, chúng lấy một cách dễ dàng.

Ông Đỗ Việt Hải, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, bác sỹ, y tá trong bệnh viện không quen biết và cấu kết với các đối tượng “cò mồi”. Khi nghe “cò” giới thiệu có quen biết các bác sỹ thì người bệnh không được nghe theo mà phải chấp hành đúng các quy định của bệnh viện trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện cũng dùng nhiều biện pháp đặc biệt là phát trên loa và dán tờ rơi về những biện pháp giúp người bệnh cảnh giác với các đối tượng trộm cắp. (H.H.)

 

 

Theo CAND

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo