VASEP kiến nghị 11 biện pháp gỡ khó xuất khẩu thủy sản
Theo đó, VASEP kiến nghị tiếp tục cải cách quy định và thủ tục hành chính. Cụ thể, sửa đổi một số quy định của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; sửa đổi thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu; sửa đổi quy định về dán nhãn sản phẩm, quy định về dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, theo VASEP, quy định kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu là nguyên liệu thủy sản để gia công và sản xuất hàng xuất khẩu cần có cơ chế đánh giá xếp loại DN nhập khẩu để xét ưu tiên miễn kiểm dịch đối với từng nguyên liệu mà DN thường xuyên nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ và cùng nhà cung cấp dựa vào kết quả kiểm tra và lịch sử của các lô hàng trước đó. Nội dung này cần đưa vào Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT mà Bộ NNPTNT đang dự thảo.
Đồng thời, kiến nghị nhanh chóng nghiên cứu các biện pháp và có các chiến lược cụ thể đối với sản xuất giống thủy sản. Cần coi công tác giống là yếu tố then chốt có thể chi phối đến các hoạt động khác như sản lượng, sử dụng kháng sinh, giá thành.
Kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT có kế hoạch tiếp cận và áp dụng thực nghiệm các mô hình nuôi tiên tiến, hướng đến sản xuất nguyên liệu thủy sản bền vững, giá thành hạ và không kháng sinh. Chính phủ và Bộ NNPTNT có các chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về tôm sạch (không kháng sinh) cho người nuôi, nậu vựa, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến để có nguyên liệu tôm không kháng sinh, không tạp chất. Trong năm 2016, VASEP kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT có đợt rà soát đồng thời về tình hình lạm dụng kháng sinh, bơm chích tạp chất…
Cũng theo VASEP, thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ vẫn còn cao, chương trình thanh tra cá da trơn là những vấn đề rào cản cho ngành cá tra. Mặc dù các vấn đề này chỉ liên quan đến thị trường Mỹ, nhưng thực tế có tác động rất lớn đến các thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, đặc biệt là thị trường Châu Âu. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cùng các bộ hỗ trợ tối đa, có các chính sách nhằm huy động nguồn lực để ngành cá tra vượt qua các rào cản này trong tương lai.
VASEP cũng kiến nghị đầu tư, hỗ trợ công nghệ đánh bắt xa bờ và bảo quản sau thu hoạch, xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường; rà soát, cân đối và điều chỉnh giảm các trạm thu phí và mức phí cầu-đường ngay trong 2016…
Riêng với ĐBSCL, VASEP kiến nghị đầu tư một cảng biển xứng tầm và hiện đại tại khu vực để đáp ứng, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu toàn vùng; đầu tư có mục tiêu để Cần Thơ trở thành một trung tâm về công nghệ sinh học của vùng ĐBSCL và của cả nước. VASEP cũng kiến nghị tiến hành đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở ĐBSCL để có các biện pháp nhằm cân đối ba yếu tố thời vụ thả nuôi, sản xuất giống, sản xuất thức ăn nhằm tránh tình trạng thiếu thừa dẫn đến tăng cao giá thành sản xuất nguyên liệu, sản lượng thu hoạch và chất lượng nguyên liệu thủy sản.
Cuối cùng, VASEP đề nghị sửa đổi các vướng mắc trong việc thực hiện quy định về thu phí công đoàn 2% phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước