Vay vốn ngoại để xử lý nợ xấu?
Phải làm rõ tổng nợ xấu
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ xấu được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tính đến tháng 10-2012 cỡ 250.000 tỷ đồng, tương ứng 8% dư nợ tín dụng.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, con số mới nhất mà ông được biết thì nợ xấu ngân hàng tới 400.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, riêng nợ liên quan bất động sản khoảng trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chưa được bóc tách nhưng chắc chắn không hề nhỏ. Nợ xấu trong xây dựng cơ bản đang là vấn đề nhức đầu với doanh nghiệp hiện nay.
Đến hết năm 2011, số tiền nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các chính quyền địa phương nợ doanh nghiệp lên tới 91.273 tỷ đồng. Xét theo tiêu chí chính thì nợ của các địa phương là rất lớn, chưa biết khi nào mới trả được. Vì phần lớn các tỉnh hiện nay vẫn thu không đủ chi.
Tổng nợ xấu thương mại giữa các doanh nghiệp đến nay là bao nhiêu và liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng thế nào, hiện không có cơ quan nào thống kê và đưa ra.
Chỉ tính riêng khối doanh nghiệp Nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2011, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, nhưng bao nhiêu trong số này là nợ xấu vẫn đang là ẩn số.
“Để kiềm chế gia tăng nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định 780 cho phép các tổ chức tín dụng được phép giữ nguyên nhóm nợ nếu xét thấy khách hàng cơ cấu lại vẫn có thể phát triển tốt. Cùng với đó cũng cho phép các tổ chức tín dụng dùng dự phòng rủi ro để tự xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản đảm bảo thu hồi”- ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, cách mà ông Nghĩa đưa ra chủ yếu mới giải quyết được vấn đề nội tại của ngân hàng, nhằm tránh rủi ro hệ thống, còn chưa có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp. Vì nợ xấu của doanh nghiệp không xử lý được thì không thể vay vốn mới.
Vay vốn ngoại để xử lý?
Như vậy, để xử lý tổng thể nợ xấu, Việt Nam cần có hàng chục tỷ USD. Trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận chưa biết nguồn tiền xử lý nợ xấu lấy ở đâu, trong khi vẫn buộc phải giải bài toán này.
Việc đi vay các nguồn vốn bên ngoài để thực hiện việc tái cấu trúc là cần thiết do
các tổ chức quốc tế cũng quan tâm đến việc này.(Nguồn: Lao Động)
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề xử lý nợ phụ thuộc vào việc làm rõ khối nợ xấu cơ cấu thế nào, hiện trạng ra sao. Chừng nào không làm rõ nguyên nhân vì sao nợ xấu lớn như vậy thì sẽ không thể xử lý được, dù chúng ta có đi học kinh nghiệm ở nước ngoài.
Ngay trong việc xác định nợ xấu, ngoài số nợ đã xuất hiện, cần tính tới cả nợ đã được giãn, hoãn và đảo nợ để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề.
Theo TS Trần Đình Thiên, để xử lý các khoản nợ xấu, có thể tính đến những khoản hỗ trợ tài chính từ các tổ chức bên ngoài vì càng để lâu chi phí xử lý càng tăng cao.
“Ngay cả việc lập công ty xử lý nợ xấu cũng còn lâu mới thực hiện được do phải có thủ tục, phải được Quốc hội đồng ý, phải có kế hoạch thực hiện xử lý nợ xấu… trong khi hiện nay chưa có gì thực hiện được.
Nếu định tái cơ cấu thì phải trả lời được câu hỏi tiền ở đâu. Riêng với ngành ngân hàng ở Việt Nam ước tính phải mất 5 tỷ USD để thực hiện tái cơ cấu”- ông Thiên nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng phải ưu tiên thực hiện tái cấu trúc nợ của các tập đoàn, tổng công ty song hành cùng với việc tái cấu trúc, xử lý nợ của ngành ngân hàng, dù biết rằng đây là việc rất khó khăn do đòi hỏi có nguồn lực rất lớn về tài chính.
Theo TS Doanh, để giải quyết nợ xấu, cũng có thể “cầu viện“ đến sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn tiền từ bên ngoài, từ các tổ chức quốc tế để thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hiện nay.
Việc đi vay các nguồn vốn bên ngoài để thực hiện việc tái cấu trúc là cần thiết do các tổ chức quốc tế cũng quan tâm đến việc này. Họ cũng có thể có sự hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.
Việc Việt Nam mới đây vay Ngân hàng Thế giới (WB) 300 triệu USD để thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước là số tiền lớn nhưng so với số nợ của các đơn vị hiện nay vẫn quá nhỏ, chưa thể giải quyết được hết các vấn đề. Đặc biệt, không thể tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nếu không giải quyết được "núi nợ" hiện nay.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản ngay trong quý 2 và quý 3 năm 2013.
Đồng thời sẵn sàng cung ứng khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý khoảng 8% trong thời hạn 5-10 năm và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này...
Đoàn Huế (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương