Xã hội

Về quê hương Chiêm Hóa xem hội chọi trâu

Trong hai ngày 22, 23 tháng 11 năm 2014 tại thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tổ chức vòng loại Hội chọi trâu vào vòng chung kết sẽ diễn ra ngày 6,7 tháng riêng (âm lịch) chào xuân Ất Mùi 2015.

Mặc dù vòng loại chọi trâu tổ chức cách xa trung tâm huyện nhưng người dân ở khắp nơi đều nô nức đổ về sới chọi Km7+500 đường Chiêm Hóa Tuyên Quang để tận mắt chứng kiến vòng loại chọi trâu xem con nào sẽ được vào chung kết. Vòng đấu loại năm nay có 32 kháp đấu với 64 ông trâu, trong đó có 05 trâu ngoài tỉnh và 59 trâu trong tỉnh. Trong 64 ông trâu đấu loại trực tiếp sẽ chọn ra 32 ông thắng vào vòng chung kết. Các ông trâu sẽ chỉ còn hai tháng để được huấn luyện chuẩn bị cho trận chung kết diễn ra vào đầu năm mới 2015.

 

Dưới sự huấn luyện tài tình của các chủ trâu, mỗi ông trâu thi đấu trên sân tung ra một cách đánh khác nhau, có ba miếng đánh cơ bản mà các ông trâu hay dùng đó là: vừa đớp vừa nhả, khóa sừng móc hàm, tung tốc độ đòn hổ lao. Có những ông trâu bắt đầu vào trong sân đã phi như tên lửa về phía đối thủ của mình để chứng tỏ mình là ông trâu gan dạ, hăng máu, muốn chiến thắng đối thủ, hai ông trâu lao vào nhau gây ra những tiếng va sừng rất mạnh khiến người xem mãn nhãn, đứng dậy hò reo, cổ vũ.

Mỗi ông trâu có những mánh khóe riêng được chủ trâu huấn luyện khi vào sân để phục vụ người xem những trận đánh mãn nhãn

Có những ông trâu rất điềm đạm, khi vào trong khán đài các ông quay sang hai bên ngửa mặt lên cao như chào khán giả vì đã đến cỗ vũ cho mình và cho lễ hội chọi trâu, sau đó bất ngờ tấn công đối thủ. Còn có những ông đấu sừng ghì mặt xuống đất bởi không ông nào chịu thua, ông nào cũng muốn chứng minh sức mạnh và bản lĩnh của mình. Trong một số kháp đấu có ông trâu cứ dờn nhau không chịu phân thắng bại nếu quá mười phút trọng tài phải ép hai trâu đấu bằng cách dắt chéo dây hướng ngược lại của mỗi con để đầu hai trâu gặp mặt, ép chúng tung ra những cú đánh quyết liệt để chiến thắng đối thủ.

 

Theo tục lệ trâu chọi khi tan hội đem làm thịt, mang đi bán, người dân đến xem cũng muốn thưởng thức thịt trâu chọi để lấy may. Do vậy, để có những ông trâu tốt phục vụ trong lễ hội năm sau các chủ trâu phải mất rất nhiều công sức và thời gian đi khắp nơi chọn trâu về thi đấu, có những con được chủ trâu mua từ trong Đăk Lak, Gia Lai, Hải Dương về chăm sóc và thuần phục.

 

Trâu chọi tham gia lễ hội phải đáp ứng được tiêu chí về có chỉ số IQ cao, 1 khoang, 4 khoáy, đuôi chai móng giò, màu lông da đen. Có những ông trâu được chủ nhân dắt từ Bắc Kạn, Lạng Sơn vượt qua hàng trăm cây số, mấy ngày đường để về Chiêm Hóa thi đấu, tranh tài cùng những ông trâu tại đây. Thân chủ khi mang trâu đi chọi, chủ trâu nào cũng muốn trâu mình vô địch không đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn chứng tỏ tài chọn trâu và huấn luyện trâu của mình. Muốn cống hiến cho khán giả những trận đánh “máu lửa” của những ngưu chiến.

Người dân Chiêm Hóa nuôi trâu vừa để lấy sức kéo và phục vụ lễ hội

Anh Lương Xuân Ngọc, người có trâu tham gia lễ hội chia sẻ, anh nuôi bảy con trâu vừa để lấy sức kéo và thi chọi trâu, tìm được trâu tốt đã khó, thuần phục ‘biến” chúng thành những chiến ngưu biết nghe lời còn khó hơn; chế độ chăm sóc những ông trâu thi hội rất đặc biệt so với trâu lấy sức kéo như chuồng phải sạch, thoáng, tắm thường xuyên cho trâu và thức ăn của trâu chọi phải là những mầm cỏ, ngô non.

 

“Hằng ngày, mỗi buổi sáng anh thường nói chuyện với chúng từ 2-3 tiếng và trâu chọi thường ăn vào buổi đêm, mỗi chủ trâu có một mánh khóe riêng trong việc chọn trâu chọi và huấn luyện trâu của mình” anh Ngọc nói. Một chủ trâu khác còn cho biết, trâu chọi ông nuôi phải cho uống nước lọc, cách ly với những con trâu thường để thuần phục tính hoang dã và những ông trâu chọi ít phải “lao động” như những con trâu khác.

 

Theo số liệu của phòng Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa, hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có 27.000 con trâu, tăng 1.000 con so với năm ngoái, tất cả các hộ đều có 1 – 2 con trâu, vừa để lấy sức kéo trong khai thác gỗ, mía đường, nông nghiệp và phục vụ lễ hội chọi trâu của huyện. Trong 27.000 con trâu chỉ chọn được 59 con để thuần phục và chăm sóc thành trâu chọi.

 

Ông Phạm Mã Hùng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chiêm Hóa cho biết, hội chọi trâu Chiêm Hóa nhằm góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa bản sắc dân tộc, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện và mong bà con xa gần đến tham quan, động viên để lễ hội chọi trâu Chiêm Hóa được biết đến nhiều hơn và sẽ mở mang khắp các vùng miền để mọi người biết đến đến quê hương Chiêm Hóa. Chúng tôi cũng động viên bà con tăng gia chăn nuôi trâu bò vừa phục vụ sản xuất và vừa tham gia vào sới chọi.

 

Ông Hùng cho biết: “Lễ hội chọi trâu do Chi hội Ủy ban huyện Chiêm Hóa khôi phục và tổ chức ở Chiêm Hóa năm nay bước sang năm thứ sáu để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con trong huyện. Sới chọi trâu mới đây được đầu tư xây dựng tại thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh có sức chứa khoảng 1,5 vạn người. Nguồn kinh phí đầu tư cải tạo và xây dựng sới là 2,4 tỉ đồng chủ yếu là do hợp tác xã lo liệu và vay ngân hàng với mong muốn có một sới chọi khang trang. Tuy nhiên, sới trọi vẫn chưa hoàn thiện do số vốn đầu tư vào sân bãi hoàn toàn do hợp tác xã tự lo vị trí sân bãi và hoạch toán. Để phát huy văn hóa bản sắc dân tộc thì xã đang cố gắng hoàn thiện sới trọi, nhưng việc xây dựng được sới trọi rất vất vả, thu nhập của bà con thấp chủ yếu là nông dân, nguồn lực yếu nên HTX phải bươn trải để lo, HTX Chiêm Hóa mong muốn nhận được sự quan tâm từ tỉnh, huyện động viên bà con xã viên và nhà nước hỗ trợ để bà con trong huyện phấn khởi, lễ hội được tổ chức thành công.

Vũ Hường - Hiền Trần
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo