Pháp luật

Vé tàu hỏa điện tử: 'Cò' lộng hành

Trong ga tàu, nhân viên báo hết vé dịp lễ 30/4 và 1/5 còn phía ngoài, “cò” và không ít đại lý mời khách mua vé với giá cao. Nguyên nhân do “cò” được giữ vé 2 ngày, đổi tên dễ dàng trên hệ thống bán vé điện tử. Sau 4 tháng hoạt động, hệ thống này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập.

Khó mua vé qua mạng, người dân phải đến mua vé trực tiếp. Ảnh: Như Ý.



Dễ dàng chiếm chỗ trên hệ thống


Như Tiền Phong phản ánh, liên tục những ngày qua, dù người dân khó mua vé tàu dịp 30/4 và 1/5 nhưng tại cổng Ga Hà Nội, “cò” vé xuất hiện đông đảo với lời mời: “Có thể lo được vé giường nằm đúng tên tuổi, đúng số chứng minh thư” với điều kiện khách phải chi 100 - 300 nghìn đồng tùy chặng. Một số đại lý vé thông báo vẫn còn vé giường nằm cho khách “nài nỉ” lo liệu. Tất nhiên, ngoài giá vé, các đại lý cũng yêu cầu trả “công” vài trăm nghìn đồng.

Một nhân viên bán vé tại Ga Hà Nội cho hay, nếu khách mua vé qua “cò”, có thể mua phải vé giả, do “cò” tự in, hay phải đi tàu chui hoặc phải mua vé với giá cao từ “cò” hoặc các đại lý do các đối tượng này đã ôm hết vé “chính hãng” trên hệ thống để bán lại cho khách.

Hiện hệ thống bán vé điện tử của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho phép người mua giữ chỗ, chưa phải thanh toán trong vòng 48 giờ (2 ngày). Lợi dụng kẽ hở này, “cò” đặt vé theo tên, số chứng minh nhân dân của người bất kỳ. Trong 48 giờ đó, “cò” tìm khách mua. Gặp khách có nhu cầu, “cò” sẽ hủy vé đã đặt và đổi theo tên, số chứng minh thư của khách. Thậm chí, nếu không tìm được khách, “cò” sẽ hủy vé trước 48 giờ và đặt tiếp để chờ cơ hội bán trong 2 ngày tiếp theo.

“Chúng tôi đã theo dõi nhiều vé sắp hết chờ để lấy ra bán cho khách nhưng cứ hết giờ, vé đó lại được đặt tiếp ngay, chúng tôi không kịp xử lý” - một nhân viên đội vé tại Ga Hà Nội tiết lộ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Cty Giải pháp công nghệ FPT - đối tác xây dựng và vận hành hệ thống bán vé tàu điện tử cho Tổng Cty ĐSVN) thừa nhận có kẽ hở như trên.

Để khắc phục, nhóm thực hiện dự án của ông Bình vừa bổ sung chức năng chặn máy tính cùng một địa chỉ IP (địa chỉ internet của máy tính) đặt lại vé đã giữ sau vài giờ. “Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thể ngăn ngừa nếu “cò” đổi sang dùng máy tính khác” - ông Bình nói. Hiện chức năng đặt vé có thể thực hiện được ngay trên điện thoại nên việc thay đổi địa chỉ IP để mua vé không còn khó khăn; rào cản mà nhóm ông Bình đưa ra dễ bị vượt qua.

Để ngăn chặn tình trạng “cò” “đặt gạch” “xí chỗ” như trên, hệ thống bán vé của các hãng hàng không đang áp dụng chế độ “khách hàng chờ”. Khi có khách hủy đặt chỗ, những đơn hàng chờ lập tức được chèn vào. Hệ thống bán vé tàu điện tử cũng có chế độ “đăng ký hàng đợi”; quét, phát hiện vé được trả lại 24 giờ trong ngày.

Tuy nhiên, theo ông Bình, khách đăng ký “hàng đợi” chỉ được ưu tiên về mặt thông tin bằng cách: Hệ thống gửi tin nhắn qua điện thoại, email để nhắc khách vào hệ thống đặt chỗ. Vì thế, chế độ “hàng đợi” này cũng không ngăn được cò vé “phục” trên máy tính, hủy rồi đặt lại vé ngay tức thì.

Bở hơi tai tìm vé

Hệ thống bán vé điện tử của các hãng hàng không và các công ty vận tải đường bộ hiện nay thường được tích hợp luôn trên giao diện website của công ty. Tuy nhiên, hệ thống bán vé tàu điện tử được tách riêng ở trang web: https://www.dsvn.vn, không nằm trên trang chính của Tổng Cty ĐSVN (http://vr.com.vn).

“Hiện các website giả mạo xuất hiện nhan nhản nên việc lập một website riêng để bán vé ngoài tên miền chính thức của Tổng Cty ĐSVN và không có đường link dẫn đến trang bán vé, khiến tôi lo ngại vào nhầm web lừa đảo”, chị Nguyễn Thị Minh, khách hàng đặt vé tàu qua mạng ở phường Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay.

Khi truy cập được vào đúng địa chỉ, không ít khách khó chịu  với sự phức tạp, vòng vo của hệ thống đặt chỗ này. Cụ thể, sau khi điền các thông tin về chặng và thời gian đi, hệ thống sẽ hiển thị các chuyến tàu đi trong ngày. Từ đây, hành khách phải qua hàng loạt bước để chọn được vé mong muốn. Đầu tiên, khách chọn chuyến tàu muốn đi. Trên chuyến tàu, khách lại phải lần theo từng toa tàu để chọn hạng vé.

Sự phức tạp chưa dừng ở đó. Thử nghiệm đặt mua vé từ Hà Nội đi Đồng Hới vào ngày 28/4, chúng tôi nhấp chuột vào biểu tượng tàu SE3. Lúc này, nhiều toa báo xanh dương (dấu hiệu còn vé). Nhưng khi nhấp chuột vào các toa này, tất cả các ghế đều báo đỏ (hết vé) hoặc da cam (đã có người đặt). Thành thử, khách bị rơi vào tình trạng mò mẫm, dò tìm trên hầu hết các ghế trong toa.

Về sự nhầm lẫn màu sắc, “toa báo xanh, ghế báo đỏ”, ông Bùi Thanh Bình lý giải: Toa hiện màu xanh dương vì còn vé chặng dài hơn hoặc chặng dài hơn của khách. Nhưng vì ghế đó không phù hợp của khách nên bị báo đỏ. “Tới đây, chúng tôi đã nghiên cứu để đưa ra các thuật hiển thị mới, thống nhất” - ông Bình nói. Ông Bình cũng cho biết, sẽ sớm đặt đường link dẫn sang trang bán vé trên website chính thức của Tổng Cty ĐSVN.

Đối với cách thức xây dựng hệ thống bán vé, ông Bình cho biết: “Tổng Cty Đường sắt ra đầu bài dựa trên kinh nghiệm và thực tế bán vé của họ; chúng tôi đưa ra các giải pháp kỹ thuật để thực hiện. Khi thấy có vấn đề chưa hợp lý, chúng tôi đề nghị hoặc góp ý để chỉnh sửa”.
 

Theo Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo