Vi phạm tiền tệ - ngân hàng: Phòng trước, phạt sau
Tăng chế tài xử phạt theo tinh thần dự thảo nghị định mới sửa đổi đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhằm thay thế cho Nghị định 202 của Chính phủ về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, liệu có giúp ngăn ngừa các vi phạm trong lĩnh vực này? PV đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, (Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh) về một số nội dung trong dự thảo nghị định này.
Thưa ông, ông có bình luận gì về việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo nghị định này nhằm thay thế cho Nghị định 202 trước đó về xử phạt hành chính vi phạm trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng?
Nghị định mới nhằm vào công tác thanh kiểm tra trong bối cảnh công tác này còn yếu. Do vậy, việc xây dựng nghị định này là đi đúng hướng trong diễn biến thị trường tiền tệ-ngân hàng hiện nay nhằm bảo đảm thị trường tài chính hoạt động một cách an toàn, hiệu quả.
Nghị định này sửa đổi nhằm hoàn thiện hơn 2 nghị định trước đó là Nghị định 202 và Nghị định 95. Như vậy, hệ thống tuân thủ càng lúc càng được khép lại trong khi sự tuân thủ trong quản trị đang yếu, có lúc còn bị buông lỏng, là rất đúng về cả lý thuyết lẫn thực hành.
Hiện nay, các ngân hàng đều tìm mọi cách để kinh doanh, nếu không có những chế tài kịp thời thì rất nguy hiểm vì thị trường tài chính, tiền tệ chứa đựng những rủi ro mang tính hệ thống.
Thực tế, đã có những chế tài xử phạt nhưng trong tình hình hiện nay những chế tài đó tỏ ra không đủ liều lượng để răn đe.
Với các nội dung trong nghị định này, sự bao phủ đã rộng hơn, không bị hở như trước; từ cơ cấu, cổ phần, huy động, ngoại hối…Về chiều sâu cũng sâu hơn, các chế tài xử phạt đã nặng "đô” hơn; ngoài phạt tiền nặng, còn đi kèm với việc rút giấy phép hoạt động, rút bớt nghiệp vụ hoạt động liên quan và quy định bắt buộc phải giải quyết hậu quả đến cùng nếu vi phạm.
Mặt khác, đối với những lĩnh vực rủi ro nhất như lãi suất, tín dụng, đầu tư, cổ phần… dự thảo nghị định cũng đưa ra những chế tài nặng nhất, mang tính răn đe cao hơn. Tuy vậy, mức xử phạt cần phải tính toán tỷ lệ thuận với hậu quả của hành vi vi phạm thì sẽ thực tế hơn.
Một vi phạm mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ mà chỉ phạt vài tỷ, người ta vẫn sẵn sàng vi phạm, chấp nhận bị phạt.
Nghị định 202 rồi Nghị định 95 và giờ là dự thảo nghị định mới để sửa đổi, phải chăng, những quy phạm, chế tài pháp luật hiện hành đối với hoạt động tài chính - ngân hàng đang không theo kịp tình hình thực tế?
Hiện nay, hoạt động của các ngân hàng phát triển, biến chuyển mau lẹ siêu cạnh tranh. Các ngân hàng phải tìm tất cả những "thủ đoạn" để tồn tại nên quy phạm pháp luật không theo kịp là đương nhiên. Ở đây, phải lưu ý là có những cái không tiên lượng hết như câu chuyện sỡ hữu chéo tại một số ngân hàng.
Luật cũng đã quy định chi tiết tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần tại các ngân hàng rồi nhưng khi sở hữu chéo biến tướng thành sự lũng loạn thì lại không có cách nào quản lý để rồi đẻ ra nợ xấu, bài toán thanh khoản.
Có những cái tiên lượng được nhưng khi xử lý lại không đúng hướng hoặc chế tài chưa đủ răn đe nên vẫn xảy ra vi phạm.
Thực tế, việc huy động vượt trần lãi suất thời gian qua đều diễn ra ở hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Theo ông, với việc tăng mức xử phạt có giúp cho vấn đề này được giải quyết?
Trong điều kiện hiện nay, "cực chẳng đã" mới phải dùng đến biện pháp hành chính. Bản thân biện pháp này đã chứa đựng kẽ hở để người ta "lách".
Thực tế thời gian qua việc xử phạt vượt trần đã không thực hiện được, dùng chế tài không thành công. Dự thảo này, về mặt chế tài là đủ mạnh nhưng muốn ngăn chặn hành vi vượt trần, phải có những công cụ khác đi kèm như ra các quyết định cách chức người đứng đầu.
Bên cạnh đó, nếu khâu thực hiện làm quyết liệt, sẽ ngăn chặn được mà xử lý thị trường chợ đen ngoại tệ, vàng là một minh chứng.
Câu chuyện sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần hiện đang gây nhiều quan ngại. Ông có thể nói rõ hơn những hậu quả của việc sở hữu chéo này?
Hậu quả lớn nhất của sở hữu chéo là làm cho hệ thống các ngân hàng giống như một mớ bòng bong, chứa đựng những rủi ro hệ thống lớn, làm cho quản lý Nhà nước trở nên rối rắm.
Biểu hiện của mớ bòng bong đó là cái gì cũng mờ mờ ảo ảo; sự tăng vốn của các ngân hàng rất ảo dẫn đến câu hỏi về thực lực của ngân hàng, vốn chủ sở hữu thế nào, vốn trên giấy có thật của ngân hàng hay không, ai là người sở hữu; nợ xấu ngân hàng có vốn để xử lý hay không...? Bây giờ muốn đánh giá thực lực của hệ thống, với vốn ảo như thế, làm sao mà đánh giá. Khi không đánh giá được nguồn lực, không thể đặt ra các mục tiêu để tái cấu trúc.
Bên cạnh đó, sở hữu chéo khi trở thành lũng đoạn thì rất nguy hiểm; anh sở hữu để anh vay vốn cho chính anh, làm dự án của anh, đầu tư góp vốn sang ngân hàng khác… làm cho độ rủi ro của hệ thống rất cao.
Ngoài ra, thanh khoản, nợ xấu cũng có nguồn cơn từ sở hữu chéo rất nặng khi đồng vốn do sở hữu chéo đầu tư vào những dự án thất bại.
Theo ông, đâu là kẽ hở pháp lý khiến cho tình trạng sở hữu chéo diễn ra?
Luật quy định tỷ lệ góp vốn từ 5-10% tùy theo cá nhân hay tổ chức. Nếu tuân thủ đúng luật thì làm sao có chuyện sở hữu chéo.
Nhưng người ta "lách" và thực tế sở hữu chéo vẫn xảy ra. Kẽ hở ở đây là không ngăn ngừa được hình thức ủy quyền góp vốn. Và để không vi phạm tỷ lệ góp vốn, người ta dùng hình thức ủy quyền.
Khi đã ủy quyền một lần, sở hữu chéo bắt đầu diễn biến từ A-B-C…đến cấp N nào đó, sẽ trở nên rối rắm và làm cho năng lực giám sát không biết đường nào mà lần, không thể kiểm soát tỷ lệ góp vốn ấy được nữa, hiệu lực quản lý Nhà nước bằng không.
Chế tài đối với các hành vi vi phạm điều 129 của Luật các tổ chức tín dụng theo tinh thần dự thảo mới sẽ xử phạt hành chính nặng hơn đến mức 2 tỷ đồng. Theo ông, với mức phạt này, liệu có giúp ngăn ngừa được các hành vi sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng?
Trong quản trị người ta hướng đến sự ngăn ngừa trước, xử phạt sau. Quản trị tuân thủ không cho phép anh vi phạm để bị xử phạt, đó mới là điều quan trọng hơn là mức xử phạt 2 tỷ đồng.
Vì vậy, luật phải quy định rõ anh là ai, tư cách pháp nhân thế nào; được sở hữu chéo bao nhiêu phần trăm… Còn với mức 2 tỷ đồng có đủ răn đe hay không, theo tôi cần phải linh hoạt, tùy theo vi phạm và hậu quả của nó mà xử phạt theo phần trăm hơn là con số tuyệt đối.
Xin cám ơn ông.
PV (tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo