Vì sao các dự án đường sắt đô thị đều đội vốn?
Thời gian gần đây, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều lần lượt xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tại Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tăng từ 435,7 triệu USD lên gần 892 triệu USD (tăng hơn 339 triệu USD), tuyến Nhổn - Ga Hà Nội tăng từ 783 triệu euro lên 1,275 tỷ euro (tăng thêm khoảng 492 triệu euro); tại TPHCM, mới đây dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đã điều chỉnh tăng vốn từ 47.325 tỷ đồng lên 54.006 tỷ đồng (năm 2011, tuyến này đã điều chỉnh tăng một lần từ 14.415 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng)…
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tất cả dự án đường sắt đô thị đều tăng tổng mức đầu tư. Nguyên nhân, theo ông Đông, do trượt tỷ giá làm tăng tổng mức đầu tư, vì các dự án đường sắt đô thị đều phải vay vốn ODA, bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam, khi phê duyệt, dự án phải tính tổng mức đầu tư bằng tiền đồng, vài năm sau trượt giá tổng mức đầu tư bị đội lên.
Còn Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, các dự án đường sắt đô thị từ khi lập dự án tới lúc triển khai cũng 6-7 năm (lập từ những năm 2003-2005), có dự án hơn chục năm, thời gian đó tỷ giá biến động rất nhiều.
“Hà Nội có dự án tới nay chưa làm đã điều chỉnh vốn đầu tư lên gấp đôi trên giấy, dù đã tăng nếu có làm cũng không làm được với giá đó”, ông Trường lý giải.
Theo ông Trường, dự án lập năm 2003, tới nay đã 11 năm, giá thiết bị, tỷ giá, giá đền bù giải phóng mặt bằng… đều tăng. “Tăng vốn không phải do sai phạm trong tổ chức dự án, hay a, b, c gì khác”, ông Trường nói.
Liên quan tới nghi án Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức Việt Nam 16 tỷ đồng; Ông Đông cho biết, hiện Bộ GTVT chưa nhận được thông tin chính thức của Nhật Bản về việc xét xử các cá nhân sai phạm tại nước này, mới chỉ biết qua báo chí. “Còn việc xử lý các cá nhân đang bị tạm giữ là trách nhiệm của ngành công an”, ông Đông nói.
Bán tàu cũ của Vinashin, Vinalines lấy tiền trả lương
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 9 tháng năm 2014, đã hoàn thành cổ phần hóa 10 Tổng Cty, với giá trị hơn 1.123 tỷ đồng (nộp về Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước – SCIC quản lý). Ngoài ra, đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại 23 doanh nghiệp thuộc 6 tổng công ty, thu về 357,5 tỷ đồng.
Về tiến trình tái cơ cấu Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong tháng 10 này sẽ xác định xong giá trị Vinalines, và xây dựng xong phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, do công ty có đội tàu hỏng hóc nhiều, hoạt động đầu tư lớn nên mất nhiều thời gian để sắp xếp lại.
“Hiện, Cty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinalineshin) đã bán gần hết đội tàu của mình (khoảng 90%), số tiền thu được sẽ dùng để giải quyết chế độ cho người lao động, nợ đối tác và nợ vay ngân hàng”, ông Trường nói.
Theo đó, số tiền thu được từ bán tàu cũ, cổ phần hóa sẽ ưu tiên dùng thanh toán chế độ lương, bảo hiểm cho người lao động, sau đó mới trả nợ. Ngoài ra, Vinalines hiện đang tiến hành khoanh nợ, giãn nợ trong 3 năm và đã đủ điều kiện cổ phần hóa.
Với Vinashin (nay là Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy – SBIC), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Chính phủ đã làm việc với các chủ nợ, các đơn vị liên quan để tìm hướng giải quyết. Ngoài ra, bản thân Vinashin cũng đàm phán với các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc khoanh nợ, giãn nợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo