Pháp luật

Vì sao cán bộ ngân hàng 'sập bẫy' siêu lừa Huyền Như?

Trong phần thẩm vấn, hàng loạt bị cáo lý giải cho hành vi sai phạm của mình là do quá tin tưởng Huyền Như bởi "chị ấy xưa nay là người rất uy tín, có nhiều khách hàng lớn lắm".

 Sáng 8/1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần thẩm vấn một số cán bộ ngân hàng liên quan đến sai phạm trong quá trình Như sử dụng các thẻ tiết kiệm của các nhân viên ngân hàng ACB để thế chấp vay và chiếm đoạt tiền của Vietinbank - chi nhánh Điện Biên Phủ, chi nhánh Đinh Tiên Hoàng và ngân hàng VIB - chi nhánh TP.HCM.

Theo cáo trạng, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng 474,05 tỷ đồng của ACB và 59,5 tỷ đồng ký hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank - chi nhánh TP.HCM để tự trích lập thành các thẻ tiết kiệm rồi đem thế chấp tại 2 phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè vay 514,3 tỷ đồng dù không có chữ ký của chủ thẻ.
 
Bị cáo Huyền Như trong chiếc áo sơ mi vàng tại tòa sáng nay.
 
Trả lời thẩm vấn, hầu hết các bị cáo bị truy tố về tội "vi pham các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" có sai phạm nhưng đều xuất phát từ sự kính trọng, nể nang đối với Huỳnh Thị Huyền Như.
 
Sau đây là trích đoạn chủ tọa thẩm vấn một số bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của Vietinbank về hành vi trên:
 
Bị cáo Trần Thanh Thanh - Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ
 
- Trong vụ án, bị cáo bị truy tố về hành vi gì?
 
Bị cáo có tham gia giải ngân cho 6 hợp đồng tín dụng có giá trị 26 tỷ đồng bằng các sổ tiết kiệm.
 
- Bị cáo đã giải ngân theo quy tình nào?
 
Bị cáo bỏ qua quy trình không có mặt khách hàng nhưng vẫn ký cho giải ngân.
 
- Lý do?
 
Nhiều lý do như bị cáo mới được bổ nhiệm thay chị Như ngày đầu tiên chưa nắm được hết. Bị cáo nhận được điện thoại của Phó giám đốc Đinh Tiên Hoàng nên nghĩ rằng khoản vay này đã được sự đồng ý của cấp trên, tin tưởng chị Như nên đồng ý.
 
- Cấp trên nói gì?
 
Dạ, bảo tạo điều kiện cho những người này.
 
- Bị cáo phải biết rằng dù là người có quen biết nhưng cũng cần phải đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định chứ?
 
Dạ, bị cáo lấy các sổ tiết kiệm đem thế chấp đó kiểm tra trên hệ thống thì thấy những tài khoản này có thật. Bị cáo nghĩ cho vay điều quan trọng nhất là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn là được nên bị cáo đã "linh hoạt".
 
- Nhưng việc linh hoạt đó có vi phạm pháp luật không?
 
Dạ, vi phạm pháp luật ạ.
 
Bị cáo Hoàng Hương Giang - giao dịch viên Điện Biên Phủ
 
- Quá trình tiếp nhận hồ sơ của khách hàng bị cáo là người tiếp nhận trực tiếp từ khách hay do người khác trong phòng giao dịch chuyển cho bị cáo?
 
Nếu gửi tiền thì bị cáo nhận trực tiếp từ khách còn nếu giải ngân thì bị cáo nhận hồ sơ từ bộ phận tín dụng.
 
- Khi nhận bị cáo làm gì?
 
Kiểm tra đầy đủ thông tin nếu đủ thì bị cáo tiến hành giải ngân để chuyển tiền. Lúc đó, bị cáo nhận thấy chưa đầy đủ, thiếu chữ ký của khách hàng, bị cáo có hỏi thì bên tín dụng trả lời "đây là khách hàng VIP của chị Như, khách hàng chưa đến được nên chị Như sẽ bổ sung sau".
 
Tương tự như trên, các bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh - giao dịch viên, bị cáo Bùi Ngọc Quyên - Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ, bị cáo Đoàn Lê Du - Trưởng phòng GD Đinh Tiên Hoàng và những bị cáo còn lại đều cho rằng mình sai phạm là do quá tin tưởng Như.
 
Hình ảnh người phụ nữ này trong ngân hàng lúc đó rất có uy tín, được tín nhiệm, là tấm gương sáng với mọi người.
 
Bị cáo Bùi Ngọc Quyên sau đó bật khóc và nói thêm: xin HĐXX xem xét cho bị cáo. Chị Như là người uy tín, có công rất lớn trong việc đem doanh số về cho ngân hàng.
 
Trong khi đó, bị cáo thấy bản chính thẻ tiết kiệm đã có rồi, chị Như từ hồi đó đến giờ làm việc rất đàng hoàng được lãnh đạo phòng ban rất tín nhiệm, chị ấy có nhiều khách hàng lớn lắm nên bị cáo cứ thế làm theo thôi.
 
Trước câu trả lời của các bị cáo, chủ tọa phải thốt lên: "Mỗi công đoạn, quy trình nếu mỗi người cứ bỏ qua một chút thì sao có thể ngăn chặn được hành vi sai phạm, hạn chế rủi ro và hôm nay hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo có biết…"
VietnamNet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo