Xã hội

Vì sao cần nâng tuổi nghỉ hưu?

(DNVN) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập...

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó đưa ra đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu lên 58 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Việc điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu hiện nay đang trở thành vấn đề "nóng". Dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi băn khoăn: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng nào? Khi điều chỉnh thì có làm mất cơ hội việc làm của giới trẻ? Sự mất cân đối tuổi nghỉ hưu giữa khu vực Nhà nước và doanh nghiệp sẽ được tính toán ra sao? Lộ trình xây dựng, triển khai điều chỉnh tuổi nghỉ hưu…?

Tại Tọa đàm trực tuyến “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu” của Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 28.10, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nêu lên 5 nguyên nhân bắt buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu. Thứ nhất quá trình Việt Nam đang bước vào quá trình dân hóa kép, tức là VN đang trong độ tuổi dân số vàng, nhưng sắp phải đối mặt với thời kỳ dân số già. Vì thế tăng tuổi nghỉ hưu có thể giúp ứng phó tốt hơn với quá trình này. Vấn đề thứ hai là chúng ta cần phải tận dụng cả lao động trẻ, lẫn lao động già.

Ảnh: VGP.

Thứ 3 chúng ta cần tính đến sự bền vững của quỹ BHXH. Hôm nay, nhưng chúng ta phải tính đến chính sách cho tương lai. Qua 3 lần khảo sát thì thấy quỹ BHXH đang mất cân đối, vì vậy việc điều chỉnh chỉnh sách là cần thiết. Thứ 4, cũng cần phải tính đến vấn đề đảm bảo bình đẳng giới mà chúng ta đã phê duyệt, vì vậy cần nâng tuổi nữ lên ngang bằng, hoặc gần bằng nam. Thứ 5, trong bối cảnh hội nhập, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu là vấn có tính toàn cầu… vì thế Việt Nam không thể tách riêng bối cảnh ấy.

“Quan điểm chung của Bộ LĐTBXH là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Thứ hai là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với những lao động đang làm các ngành độc hại, lao động suy giảm sức khỏe lao động, lao động ở vùng sâu vùng xa, hải đảo, lao động chuyên gia và các đối tượng quản lý lãnh đạo chủ chốt. Thứ ba là việc điều chỉnh sẽ được thực hiện từng bước, với từng ngành nghề”, ông Huân nói.

Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh quy định về tuổi hưu là câu chuyện cần phải đặt ra lúc này.

Theo ông Lợi, hệ thống pháp luật được xây dựng không phải chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, do đó phải có tính toán cụ thể để phù hợp với sự thay đổi của thực tế xã hội. Trong đó, vấn đề quan trọng phải tính đến là việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng từ thời điểm nào, với nhóm đối tượng nào? “Phương án chung sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng lên. Tuy nhiên đối, với nhóm lao động trực tiếp, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề nghiệp đặc thù như: công nhân hầm mỏ, xây dựng, cầu đường, giáo viên mầm non… tuổi nghỉ hưu sẽ không điều chỉnh mà giữ nguyên như hiện tại”.

Cũng theo vị này, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng năng lực, trình độ chuyên môn của nhóm lao động lớn tuổi là điều có thể thực hiện nhưng phải tính toán đến hai yếu tố: ngành nghề và sức ép việc làm đối với lao động trẻ. Để tránh dư luận xã hội về việc tăng tuổi hưu sẽ tạo ra tâm lý “tham quyền cố vị”, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của thế hệ trẻ cần quy định những hạn chế độ tuổi đối với từng vị trí công việc.

 

Nên đọc
Công Danh (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo