Vì sao DN xăng dầu không đòi được tăng giá bán?
Thay vào đó, Bộ Tài chính quyết định giảm thuế nhập khẩu và cho phép tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Liệu tình hình kiềm giá này sẽ duy trì được bao lâu và vì sao Bộ Tài chính lại quyết không điều chỉnh giá xăng dầu thời điểm này?
Trao đổi với Đất Việt, một đại diện của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê mới nhất của Liên bộ Tài chính – Công thương, giá xăng, dầu thành phẩm nhập từ thị trường Singapore bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 16/1 đến 14/2) so với bình quân 30 ngày trước đó (từ ngày 17/12/2011 đến 15/1) đã tăng 3,14 – 6,47% tùy loại.
Trong đó, tăng mạnh nhất là xăng với tỷ lệ tăng 6,47%. Từ ngày 14/2 đến nay, giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng.
Với tình hình này, việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, nhằm bình ổn thị trường, cân đối vĩ mô và kiềm chế lạm phát, mà giá cả những tháng đầu năm ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề này, Bộ Tài chính đã quyết định kiềm giá xăng dầu, thay vào đó hạ nhiều loại thuế và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn.
Theo phân tích của vị này, đúng là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang lỗ, song mức lỗ không quá cao như họ kêu than. Thực ra, việc giảm thuế nhập khẩu xăng từ 4% trước đó về mức 0% cũng đồng nghĩa với việc cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán lẻ thêm 500 – 600 đồng/lit mà không giảm thuế nhập khẩu. Hiện, xăng A92 thành phẩm nhập từ thị trường Singapore có giá 128,62 USD/thùng.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu cũ phải đóng (4%) là gần 5,14 USD/thùng. Nếu tính tỷ giá USD 21.000 đồng/USD, thì mức thuế này tương đương gần 108.000 đồng/thùng (= 159 lít). Như vậy, nếu giảm thuế nhập khẩu về 0%, chi phí cho mỗi lít xăng A92 nhập về Việt Nam sẽ giảm đi 108.000/159 = 678 đồng. Theo đó, mức lỗ của doanh nghiệp cũng sẽ giảm đi 678 đồng/lít.
Theo tính toán của Bộ Tài chính công bố ngày 21/2, tất cả chủng loại xăng, dầu đều có giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành từ 372 đồng đến 844 đồng/lít. Trong đó, dầu hỏa có giá cơ sở cao hơn giá bán 372 đồng/lít, còn xăng A 92 có giá cơ sở cao hơn giá bán 844 đồng/lít. Ngày 21/2 cũng là ngày đầu tiên quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn có nhiều cách để hạn chế mức lỗ của mình, mà thực tế họ đã áp dụng, như giảm bớt chi phí “hoa hồng” cho các đại lý xăng dầu, và một số khoản khác.
Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), mặc dù thuế đã giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ 800 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và khoảng 600 đồng/lít đối với dầu diezel.
Để “chịu đựng” đà lỗ này, Saigon Petro đã liên tục giảm mức chi hoa hồng cho các đại lý. Thông thường, hoa hồng cho các đại lý khoảng 600 đồng/lít xăng, nhưng từ tuần trước công ty đã giảm xuống còn 350 đồng và hiện nay, mức hoa hồng này chỉ còn 300 đồng.
Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, ông Vương Đình Dung cũng cho biết tương tự. Hiện, mức hoa hồng của Xăng dầu Quân đội chi cho các đại lý là 300 đồng/lít xăng bán ra.
Còn phía Petrolimex cho hay, doanh nghiệp đã giảm hết các chi phí có thể để "sống sót" được trong thời điểm này, chi phí hoa hồng cho các đại lý của Petrolimex còn thấp hơn một số doanh nghiệp khác. Với mặt hàng xăng, giá cơ sở đang cao hơn giá bán ra tới 2.400 đồng/lít, dầu mazut đang lỗ khoảng 2.000 đồng, dầu diezel và dầu hỏa lần lượt lỗ 1.600 đồng và 1.300 đồng/lít.
Nhiều chuyên gia và ngay cả một số doanh nghiệp cùng ngành cũng không tin rằng Petrolimex lại lỗ nặng thế. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cho hay, nếu nói xăng lỗ khoảng 1.000 đồng thì còn có cơ sở, còn lỗ gần 2.500 đồng/lít thì phải xem lại số liệu hoặc cách điều hành.
Bởi với mức giảm thuế nhập khẩu xăng về 0%, tăng hạn mức sử dụng quỹ bình ổn lên 1.400 đồng/lit xăng và cắt giảm hoa hồng, doanh nghiệp đã đỡ lỗ thêm được hơn 1.000 đồng/lít.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo