Vì sao doanh nghiệp khu vực tư nhân chưa thể mạnh?
Tại diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức” do Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức tổ chức mới đây, có rất nhiều thông tin cũng như kiến nghị được đưa ra để khối DN tư nhân có thể phát huy được vai trò trong phát trển kinh tế.
Nhiều bất cập từ chính sách
Hiện cả nước có 304,9 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong tổng số 312,6 nghìn DN đang hoạt động (chiếm 97,5% tổng số DN), trong đó DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động) là 205,4 nghìn (chiếm 65,6% tổng số DN đang hoạt động và 67,4% tổng số DN nhỏ và vừa). Những DN này hầu hết đến từ khu vực tư nhân. Điều này khẳng định khu vực DN tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, quy mô của DN khu vực tư nhân ở Việt Nam còn quá nhỏ, đó là chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh cá thể đang làm cho khu vực phi chính thức trong nền kinh tế ngày càng bị phình ra. Không đủ lớn để kinh doanh hiệu quả, các DN khu vực tư nhân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề để có thể đóng góp cho tăng trưởng chất lượng, nhất là ở khía cạnh phát triển bền vững. Hơn nữa, lực lượng lao động không được đào tạo bài bản, không được đảm bảo an sinh xã hội sẽ dẫn tới năng suất lao động thấp.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, mặc dù nỗ lực kêu gọi đầu tư của khu vực tư nhân và cơ sở hạ tầng luôn được nhấn mạnh nhưng thực tế, tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước giảm ở tất cả các lĩnh vực điện, nước, giao thông vận tải và viễn thông. Cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Các mô hình hợp tác công tư PPP được thí điểm nhưng chưa có tổng kết để trở thành một chính sách đòn bẩy hữu hiệu, tạo tác động lan tỏa. Hầu như có rất ít khu công nghiệp có một quy hoạch tổng thể đầy đủ cho các DN tư nhân tham gia đầu tư để tập trung nguồn lực, vực dậy một khu kinh tế hay khu công nghiệp nhất định.
Khó tiếp cận vốn
Theo điều tra của VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2013, xấp xỉ 54% DN khu vực tư nhân có nhu cầu vay vốn ngân hàng, trong đó có khoảng 41% DN đã được đáp ứng. Tuy nhiên, các DN phản ánh rằng lãi suất quá cao, không có tài sản thế chấp, thủ tục phúc tạp và chi phí giao dịch cao...khiến cho họ khó tiếp cận được nguồn vốn.
Bên cạnh những khó khăn về lãi suất và các điều kiện khác, khó khăn trong đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của DN vẫn còn tiếp diễn. Việc quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp là bất động sản cũng chính là nguyên nhân khiến cho giải quyết nợ xấu, phát mãi tài sản thế chấp tại các ngân hàng trong điều kiện hiện nay càng trở nên gian nan. Việc sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn đã bắt đầu phổ biến, xong việc sử dụng các hình thức khác nhau như thấu chi, sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn còn rất hạn chế. Hiện mới có 10 địa phương thành lập được quỹ này với tổng số vốn điều lệ 512 tỷ đồng.
Tại diễn đàn, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Bên cạnh nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư tư nhân sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong tương lai gần để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân. Đặc biệt, đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng là một loại đầu tư mang tính rủi ro cao thì các quỹ đầu tư là hình thức rất phù hợp để các DN khu vực tư nhân đóng góp vào phục hồi tăng trưởng.
Ở Việt Nam, hoạt động của một số quỹ đầu tư đã bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt là từ khi thị trường chứng khoán ra đời. Song số lượng các quỹ đầu tư này chưa nhiều so với nhu cầu phát triển và danh mục đầu tư tập trung chủ yếu vào các DN nhà nước đã được cổ phần hóa, DN kinh doanh bất động sản. Hiện mới chỉ có 23 quỹ đóng, trong đó có 6 quỹ đại chúng với quy mô nhỏ. Có rất ít quỹ quan tâm đến đầu tư đổi mới công nghệ tại các DN tư nhân. Trong khi đó, Việt Nam đang rất cần nuôi dưỡng các DN tư nhân đang được hình thành dựa vào công nghệ.
“Để phục hồi tăng trưởng với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, có ít nhất hai vấn đề cần giải quyết là nâng cao chất lượng tăng trưởng với sự tham gia của các khu vực kinh tế trong đó có khu vực tư nhân và thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân” – bà Hằng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển