Môi trường

Vì sao doanh nghiệp thờ ơ đóng phí môi trường?

(DNHN) - Bất chấp những quy định dầy đặc về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp, và dù chỉ tuân thủ một cách miễn cưỡng thì ngày càng nhiều doanh nghiệp lờ đi nghĩa vụ đóng phí môi trường.

Tuy nhiên câu chuyện lại nằm ở chỗ phải chăng doanh nghiệp Việt Nam có thói quen chây ì, hay tại ở chính chính sách mà chúng ta ban hành thiếu tính thực tiễn và những chế tài chưa được thực thi một cách triệt để.

 

Nghiên cứu về góc độ đóng phí môi trường ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh một năm sau Nghị định 67/NĐ-CP, ngày 13/6/2003, về phí nước thải công nghiệp, Bà Lê Hà Thanh, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, nhìn chung tỉ lệ đạt được rất thấp. Điều tra trong ngành hẹp chế biến thực phẩm, tỷ lệ thu phí dự định so với thực tế thu được chỉ đạt khoảng 13%.

 

Có sự khác biệt lớn về việc thực thi nghĩa vụ này giữa hai thành phố. Trong khi  thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ doanh nghiệp tham gia đóng phí môi trường tăng từng năm, ở Hà Nội lại ngày càng ít đi.

 

Nằm trong khuôn khổ dự nghiên cứu do Chương trình Kinh tế&Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) hỗ trợ, các chuyên gia kinh tế của trường Đại học Kinh tế quốc dân tiến hành điều tra việc thực hiện Phí bảo vệ môi trường từ năm 2004 đến năm 2006 tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Theo dõi hơn 400 doanh nghiệp nhận được thông báo phí trong ba năm, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp phí tại Hà Nội giảm dần,  từ 76 doanh nghiệp năm 2004 xuống còn 23 doanh nghiệp năm 2006. Ngược lại với Hà Nội, số doanh nghiệp nộp phí tại TP. Hồ Chí Minh tăng lên sau ba năm thực hiện từ 129 doanh nghiệp lên 1.594 doanh nghiệp. Đến năm 2011, tổng phí thu được của doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được 800 tỉ đồng, chiếm 10% lượng phí bảo vệ môi trường.

 

Để kiểm soát tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, nghị định 67/ NĐ- CP, về phí nước thải công nghiệp với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc dự án nghiên cứu do EEPSEA tài trợ chỉ ra rằng, qua quá trình thực hiện thu phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn rất nhiều bất cập.

 

Vẫn theo bà Lê Hà Thanh,  các doanh nghiệp hiện nay vẫn tiếp tục gây ô nhiễm trên diện rộng với qui mô lớn. Trong đó, 70% nước thải khu công nghiệp được thải trực tiếp vào môi trường không qua xử lý. Chỉ có 43% khu công nghiệp đang đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

 

Về trụ sở của doanh nghiệp, qua điều tra 119 doanh nghiệp chế biến thực phẩm của cả hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy 91% doanh nghiệp đóng tại các khu dân cư, đóng tại các khu công nghiệp rất ít, chỉ có 9%.

 

Nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành, phần lớn nước thải của khu công nghiệp có chỉ tiêu ô nhiễm vượt qui chuẩn Việt Nam

Một nửa trong tổng số doanh nghiệp được điều tra có kết quả kiểm định chất lượng nước thải, không doanh nghiệp nào có bộ phận và cán bộ chuyên trách về môi trường. 24 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chất lượng thấp, nhưng theo bà Lê Hà Thanh trên thực tế thiết bị tại các doanh nghiệp rất đơn sơ.

 

Cũng theo đánh giá của bà Thanh, hiện trạng môi trường của doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất của các doanh nghiệp khác nhau.

Phí bảo vệ môi trường được áp dụng đối với nước thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm, nông sản, cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề… và bảy chất chịu phí BOD, COD, TSS, Thủy ngân, Chì, Arsenic và Cadmium.

 

Việc hỗ trợ chính sách của nhà nước đóng vai trò quan trọng để buộc các doanh nghiệp tuân thủ các qui định và pháp luật về môi trường với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

 

Về phía các tác động gây nên áp lực cho doanh nghiệp, các chính sách, qui định của nhà nước có vai trò quan trọng nhất, tuy nhiên chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát thực thi pháp luật rất thấp. Áp lực từ phía cộng đồng cũng rất quan trọng nhưng tiếng nói của cộng đồng còn yếu. Các qui định từ các đối tác nước ngoài được coi là nhân tố tiềm năng trong việc tạo áp lực để doanh nghiệp nhận thức và có hành vi tích cực trong việc bảo vệ môi trường.

 

Thế nhưng doanh nghiệp, những người phải thực hiện trả phí bảo vệ môi trường lại cho rằng cơ chế phức tạp, không rõ ràng. Các doanh nghiệp trả phí phải tự kê khai và nộp phí trong vòng 20 ngày, sau đó sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định tờ khai của doanh nghiệp. Dưới 30% doanh nghiệp được chấp nhận bản tự kê khai và hơn 30% doanh nghiệp phải tiến hành thẩm định vòng hai.

 

Có quá nhiều chỉ tiêu ô nhiễm, không tạo ra động cơ kinh tế đối với các doanh nghiệp đã thực hiện tốt. Cứ mỗi một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đều phải trả phí như nhau trong khi đó mỗi doanh nghiệp có ngành nghề khác nhau, mức độ ô nhiễm khác nhau đã khiến cho doanh nghiệp không có động lực để thực hiện nộp phí.

 

Mức phí cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp kêu ca, bà Thanh cho biết, lấy ví dụ nhà máy apatit Lào Cai, nếu trả phí với bảy chất ô nhiễm qui định thì toàn bộ tổng doanh thu của nhà máy cũng không thể đủ trả mức phí này.

 

Bà Thanh cho biết, chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp lớn thuộc một số ngành gây ô nhiễm cao như sản xuất giấy, thuộc da, nhuộm, hóa chất, thủy sản, mía đường với những chỉ tiêu ô nhiễm chủ yếu là COD, TSS và một chất kim loại nặng để tránh việc có quá nhiều chỉ tiêu ô nhiễm. Tuy nhiên, thế nào là doanh nghiệp lớn thì cũng rất khó xác định khi 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn việc đánh giá theo lượng nước thải xả ra thì hiện nay vẫn chưa có qui định nào cho việc này. Cần phải có chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp không nộp phí và sử dụng hệ thống quyết toán theo năm thay vì nộp theo quí như hiện nay.


Hồng Trang

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo