Quốc tế

Vì sao Gia Cát Lượng quyết diệt Tào Ngụy cho đến chết?

Bắc phạt diệt Tào Ngụy là chiến lược quân sự lớn nhất trong cuộc đời Gia Cát Lượng và ông qua đời khi sự nghiệp thống nhất Trung Quốc vẫn còn dang dở.

Sau trận Xích Bích lịch sử năm 208, cục diện tam quốc (thế chân vạc giữa 3 nước) hình thành. Nhà Thục Hán do Lưu Bị sáng lập chiếm được Kinh Châu và Ích Châu, tập trung xây dựng đất nước và củng cố binh lực.

Năm 223, Lưu Bị qua đời, để lại khoảng trống quá lớn mà con trai Lưu Thiện không thể khỏa lấp. Dưới thời Lưu Thiện, Gia Cát Lượng tấn công nhiều nhưng số lần giành chiến thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đã khiến người đời sau nghi ngờ về khả năng chỉ huy quân sự của Lượng.

5 lần Bắc phạt diệt Tào Ngụy trong giai đoạn 228-234 thất bại, quân Thục không đạt được mục tiêu đề ra. Sự nghiệp Bắc phạt Trung Nguyên, hưng phục Hán thất của Gia Cát Lượng kết thúc dở dang khi ông bị bệnh và mất trong lần thứ 6 ra Kỳ Sơn.

Việc Gia Cát Lượng quyết Bắc phạt, bất chấp thực tế quân Thục chưa đủ thực lực, đã để lại nhiều tranh cãi cho hậu thế.

Tư Mã Ý luôn là đối thủ của Khổng Minh trong suốt 6 lần Bắc phạt.

Lấy công làm thủ

Theo trang mạng Lsgushi (Trung Quốc), Gia Cát Lượng khởi động chiến dịch Bắc phạt ngay từ năm 227, một thời gian ngắn sau khi Ngụy vương Tào Phi qua đời đột ngột ở tuổi 40. Nước Ngụy khi đó rơi vào hỗn loạn, tướng sĩ nghi kỵ lẫn nhau. Đây chính là cơ hội tốt nhất để chinh phạt, tiêu diệt nhà Ngụy, hướng tới thống nhất Trung Quốc.

Thục Hán nước nhỏ dân ít, địa thế hiểm trở, dễ thủ khó công. Nếu như chinh phạt phương bắc, Gia Cát Lượng chỉ cần để lại một ít quân phòng ngự, còn lại dồn binh lực tấn công.

Kể từ khi nhà Ngụy đại bại trong trận Xích Bích và Tào Tháo qua đời, nhà Ngụy rơi vào thế phòng ngự, củng cố lực lượng.

Gia Cát Lượng là người có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, ông chắc chắn hiểu rằng, một số vùng đất nước Thục nắm giữ, vốn nghèo nàn như Ích Châu thì "dù có nỗ lực hơn thì cũng đã phát triển tới cực hạn".

 

Bắc phạt chính là cách để Gia Cát Lượng lấy công làm thủ.

Trong khi đó, nếu để cho nhà Ngụy có thời gian khôi phục, thì chuyện Tào Ngụy thống nhất miền Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một số nhà sử học Trung Quốc cho rằng, mục đích Bắc phạt của Gia Cát Lượng nhằm thổi bùng lên cuộc bạo loạn mới ở Trung Nguyên, ngăn cản đà phục hồi kinh tế của nhà Ngụy.

Ngay chính Khổng Minh cũng nhắc đến mục đích của bản thân trong "Long Trung đối sách", bằng câu nói "Thiên hạ có biến". Nếu thiên hạ không có xung đột, thì phải tìm mọi cách để tạo ra xung đột. Dựa trên quan điểm này, sớm muộn Gia Cát Lượng cũng phải Bắc phạt.

Trên thực tế, trong 5 lần tiến quân về phương bắc, quân Thục không ít lần giành được những chiến thắng chiến thuật nhưng không thể duy trì lợi thế.

Thất bại trong lần chinh phạt đầu tiên do Mã Tốc sai lầm để mất Nhai Đình; lần hai do quân lương thiếu hụt; lần thứ ba do Trương Bào hy sinh khiến Khổng Minh đổ bệnh.

Thất bại lần thứ tư do Lưu Thiện trúng kế phản gián của Ngụy, ra lệnh thu binh; lần thứ năm do Lý Nghiêm mắc lỗi khi vận chuyển lương thảo.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc quân Thục Hán không thể đánh trận trường kỳ. Càng về sau, quân Ngụy do Tư Mã Ý chỉ huy kiên quyết theo đuổi chiến thuật phòng ngự chặt, cố thủ không ra đánh.

 

Tào Ngụy cũng khôn khéo tập kích vào tuyến đường vận chuyển lương thảo của Thục Hán, khiến cho cuộc chiến Thục-Ngụy chủ yếu biến thành giao tranh cướp bóc lương thảo.

Sau này, khi Gia Cát Lượng mất thì người kế nhiệm ông là đại tướng Khương Duy vẫn tiếp tục đường hướng quân sự này. 9 lần khởi binh đánh Ngụy cũng không đem lại kết quả khả quan.

Gia Cát Lượng không muốn Bắc phạt thành công?

Gia Cát Lượng đã không thể hoàn thành tâm nguyện thống nhất Trung Hoa.

Theo trang mạng Sina (Trung Quốc), trong chiến lược “Long Trung đối sách”, Gia Cát Lượng coi Kinh Châu và Ích Châu là hai địa bàn quan trọng. Trải qua thời gian, bên trong nhà Thục Hán hình thành nên hai phe phái theo đuổi lợi ích khác nhau.

Kế hoạch của Lưu Bị là để nhóm Kinh Châu của Gia Cát Lượng cai trị Ích Châu. Đại tướng Lý Nghiêm của nhóm Ích Châu thống trị Kinh Châu.

 

Năm 221, quân Thục để mất Kinh Châu vào tay Đông Ngô khiến nội bộ Thục Hán mâu thuẫn nghiêm trọng. Qua thời gian, Lý Nghiêm ngày càng ham muốn quyền lực và nảy sinh mâu thuẫn với Gia Cát Lượng.

Bên cạnh đó, Tào Ngụy đã liên tục tuyên truyền. Trong lãnh thổ Ngụy, đại bộ phận người dân đã công nhận tính hợp pháp của chính quyền gia tộc họ Tào. Nhiều người bản địa Ích Châu thậm chí còn thừa nhận tính hợp pháp của nền thống trị Tào Tháo.

Vì vậy, Gia Cát Lượng không có cách nào khác mà buộc phải kiên trì với chính sách "khôi phục Hán triều", khởi binh Bắc phạt trước khi quá muộn. Gia Cát Lượng cũng muốn lợi dụng chiến dịch Bắc phạt để chiêu mộ nhân tài.

Tượng thờ Gia Cát Lượng ngày nay.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa Gia Cát Lượng với người kế nghiệp Lưu Bị, Lưu Thiện cũng không mấy êm đẹp. Giống như cha, mặc dù để Gia Cát Lượng toàn quyền lãnh đạo đất nước nhưng Lưu Thiện cũng không hoàn toàn tin tưởng Lượng.

Gia Cát Lượng hiểu được viễn cảnh “quân thần nghi kỵ lẫn nhau” của nhà Thục Hán. Bởi nếu đoạt được Trung Nguyên thì quan hệ của ông với Lưu gia rất có thể sẽ đi đến chia rẽ.

 

Do đó, Gia Cát Lượng dường như muốn duy trì thế giằng co với Tư Mã Ý ở dọc vùng núi Thiểm Tây-Cam Túc, chứ không quyết tâm Bắc phạt đến cùng bằng các kế sách tấn công khác.

Có thể nói, mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược Bắc phạt của Gia Cát Lượng duy trì sức ép với Tào Ngụy, tiêu hao sinh lực địch và kiềm chế đà phục hồi kinh tế miền bắc.

Thời cơ thống nhất thiên hạ không tới thì việc duy trì Bắc phạt cũng giúp Gia Cát Lượng duy trì được quyền kiểm soát nội bộ Thục Hán. Như vậy, Gia Cát Lượng đã phần nào thực hiện đúng kế hoạch "Long Trung đối sách" của mình.

Dù qua đời mà không nhìn thấy ngày Trung Quốc thống nhất, nhưng nhờ Gia Cát Lượng mà cục diện Tam quốc được duy trì tới 42 năm.

Gia Cát Lượng (181-234) là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Loạt bài này sẽ đi sâu lý giải những bí ẩn trong cuộc đời nhà quân sự tài ba Trung Quốc, trong đó có nhiều chi tiết không được đề cập trong tiểu thuyết.
Nên đọc
Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo