Trang Markit dẫn báo cáo của tổ chức AAA cho biết, tính tới cuối ngày 12/11, giá xăng bán lẻ tại thị trường Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/2/2011 cho đến nay và có thể còn giảm hơn nữa.
Cụ thể, mức giá trung bình trên toàn quốc cho mỗi gallon xăng thông thường là 3,18 USD (khoảng 0,84 USD/lít, tương đương với gần 18.000 đồng/lít), giảm từ mức 3,24 USD hồi một tuần trước và 3,34 USD cách đây một tháng, theo báo cáo chỉ số xăng dầu hàng ngày của AAA. Khoảng 1/4 số trạm xăng tại Mỹ đang bán lẻ với giá dưới 3 USD/gallon, trong khi khoảng 10% đang bán với giá trên 3,50 USD.
Trên thực tế, giá xăng bán lẻ tại Mỹ đã giảm liên tiếp trong nhiều tuần gần đây, với mức giảm tổng cộng là 41 cent mỗi gallon kể từ ngày Lao động Mỹ (ngày 2/9/2013). Nhiều chuyên gia dự đoán, mức giá bán lẻ xăng tại Mỹ có thể còn rớt xuống gần 3 USD mỗi gallon vào cuối năm nay, do gánh nặng nguồn cung quá lớn, trong khi lượng tiêu thụ vẫn còn yếu ớt và chi phí sản xuất hạ.
Tuy nhiên, người dân ở khu vực Hawaii của Mỹ hiện vẫn phải mua xăng với mức giá cao “cắt cổ” lên tới 4,05 USD/gallon (tương đương 1,06 USD mỗi lít xăng), hay tại California giá cũng lên tới 3,61 USD/gallon. Tính theo thành phố, San Francisco là nơi có giá bán lẻ xăng cao nhất tới 3,74 USD mỗi gallon, trong khi thành phố có mức giá trung bình rẻ nhất là Springfied, Mo, với 2,76 USD mỗi gallon.
AAA còn cho biết, các lái xe tại Mỹ hiện đang phải trả số tiền mua xăng thấp hơn năm ngoái trong 99 ngày liên tiếp. Giá xăng trong giai đoạn này ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 cho tới nay.
Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo điều tra cho thấy giá xăng trung bình tại Mỹ trong ngày thứ hai đầu tuần (11/11) là 3,19 USD/gallon, giảm 7,1 cent so với tuần trước và ở mức giá tại vòi thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Như vậy, số liệu tính toán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ trùng khớp với kết quả đo được của tổ chức AAA.
Theo các chuyên gia phân tích tại Markit, nguyên nhân chính khiến giá xăng bán lẻ tại Mỹ sụt giảm mạnh như vậy, hoàn toàn là do vấn đề cung ứng dầu thô tại Mỹ đã liên tục tăng 7 tuần liên tiếp trong khi những căng thẳng tại Trung Đông, nơi được xem là "rốn dầu" của thế giới, trong đó đặc biệt là tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran, đang ngày càng được xoa dịu.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố hôm 6/11 cho biết, lượng cung dầu thô tại nước này trong tuần kết thúc ngày 1/11 đã tăng thêm 1,6 triệu thùng. Tuy rằng, con số này thấp hơn mức dự tính 2,5 triệu thùng của giới phân tích, nhưng vẫn nằm trong xu hướng đi lên. Trước đó, lượng cung ứng dầu thô tại Mỹ đã có 6 tuần tăng liên tục.
Tổng mức tăng cung dầu thô trong 7 tuần qua tại Mỹ đã tiệm cận ngưỡng 30 triệu thùng. Theo dự báo mới nhất của giới phân tích trong cuộc điều tra dư luận của Platts, khả năng thị trường dầu thô Mỹ sẽ có thêm tuần tăng cung thứ 8 liên tiếp, thêm 1,8 triệu thùng. Đây quả thực là một điều đáng lo ngại đối với triển vọng giá dầu thô giao dịch tại sàn New York, nhưng lại là tin mừng với người tiêu dùng.
Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) với Iran về chương trình phát triển hạt nhân dù chưa đạt được thỏa thuận mang tính đột phá, song đã có những tín hiệu lạc quan. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney hôm 12/11 khẳng định Mỹ và đồng minh vẫn nhất trí theo đuổi thương lượng để tiến tới một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Trong khi đó, việc Iran đạt được thỏa thuận về lộ trình hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) là kết quả quan trọng để thúc đẩy đàm phán với P5+1. Điều này cũng đang tạo thêm động lực để chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân với Iran, mà trước hết là yêu cầu quốc hội nước này trì hoãn các biện pháp trừng phạt mới chống Iran.
Theo lời Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano, Iran sẽ cho các thanh sát viên của IAEA tiếp cận lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak và mỏ urani Gachin ở phía nam Iran trong vòng 3 tháng tới. Ông Amano cho rằng, vấn đề hạt nhân Iran là hết sức phức tạp và cần có các biện pháp tiếp cận từng bước, không thể giải quyết mọi thứ trong một thời gian ngắn.
“Chúng tôi đã đưa ra tuyên bố chung về lộ trình hợp tác giữa Iran và IAEA, bao gồm cả một phụ lục. Chúng tôi nhất trí sẽ tăng cường hợp tác, trên cơ sở tôn trọng quá trình IAEA thanh sát cơ sở hạt nhân của Iran nhằm giải quyết những bất đồng còn tồn tại giữa các bên hiện nay và trong quá khứ. Phần phụ lục có cả 6 giải pháp và tất cả các giải pháp này sẽ được thực hiện trong vòng 3 tháng tới, bắt đầu từ ngày ký”, ông nói.
Người phát ngôn Jay Carney hôm 12/11 nhấn mạnh, các biện pháp mới trừng phạt Iran vào lúc này cũng có thể kích động lực lượng theo đường lối cứng rắn ở Iran, những người vốn phản đối chủ trương đối thoại của tân Tổng thống Hassan Rowhani. "Các bên vẫn còn bất đồng và còn một số vấn đề quan trọng phải giải quyết giữa P5+1 và Iran. Do đó chúng tôi sẽ nối lại đàm phán với Iran vào ngày 21 và 22/11”, ông nói.
Các lời cảnh báo trên đây của Nhà Trắng được đưa ra sau khi một số nhà lập pháp Mỹ cho biết, họ đang tìm cách thúc đẩy tăng cường trừng phạt Iran, nhằm ngăn chặn chính quyền của Tổng thống Barack Obama có nhượng bộ quá nhiều trong thỏa thuận hạt nhân với nhà nước Hồi giáo, gây tổn hại an ninh của đồng minh Israel.
Nếu như cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 sớm đạt được một thỏa thuận, thì khả năng Mỹ và các nước phương Tây sẽ sớm rút bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này, trong đó bao gồm việc ngăn chặn các giao dịch dầu thô. Iran cũng là một thị trường dầu mỏ quan trọng của thế giới. Một khi những hạn chế được giải tỏa, nguồn cung thế giới thêm dồi dào, ắt giá dầu phải đi xuống.
Một sự thực không thể phủ nhận là khoảng 70% trong chi phí giá xăng bán lẻ có quan hệ "gắn bó" với giá dầu thô. Do đó, việc giá dầu thô càng đi xuống thì người tiêu dùng càng có hy vọng được mua giá xăng tại vòi ở mức thấp. Chốt phiên 12/11, giá dầu thô giao sau tại Mỹ đã giảm mạnh 2,10 USD, xuống còn 93,04 USD mỗi thùng, thấp nhất từ ngày 31/5 cho đến nay.
VnEconomy