Pháp luật

Vì sao giám đốc Tadico định lên cầu tự tử? Kỳ 1; Doanh thu 200 tỷ bỗng trắng tay

Đang dẫn dắt doanh nghiệp với thương hiệu có uy tín, doanh thu hàng năm hơn 200 tỷ đồng, bỗng dưng trở thành con nợ của ngân hàng, xã hội đen, gia đình tan vỡ, thất vọng, bế tắc cùng cực, ông đã leo lên lan can cầu Thuận Phước, Đà Nẵng định buông xuôi.

 

Cùng thuyền


Ông là Trần Văn Quý, giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật Cơ điện lạnh- Tadico, có trụ sở chính ở thành phố Đà Nẵng.


Tadico là doanh nghiệp tư nhân hoạt động dựa trên nền tảng khoa học hiếm hoi không chỉ ở thành phố miền Trung Việt Nam này mà có thể nói là của cả nước, từng bước xây dựng được thương hiệu, uy tín trong thi công hệ thống cơ điện lạnh.


Điểm qua vài dự án mà doanh nghiệp của ông trúng thầu như Sân bay Quốc tế Đà Nẵng; Vinpearl Land, Bệnh viện Trung ương Huế,… để thấy uy tín là có thật.


Bản thân ông Quý là nhà phát minh, sáng chế ra nhiều sản phẩm công nghệ cao góp phần vào sứ mệnh hiện đại hóa nền công nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, ông từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen khi  đoạt Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ năm 2012.


Có thể nói ông giỏi kỹ thuật bao nhiêu, trong thương trường mà đúng hơn là trong vòng xoáy lòng tham của con người, ông lại “ngu ngơ” bấy nhiêu.  


 Khi Tadico thành công trên thương trường  cũng chính là lúc các cộng sự mà ông vẫn xem là thân tín lại âm thầm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, đẩy ông  vào cảnh nợ nần, Tadico tăm tiếng lẫy lừng một thời có nguy cơ phá sản.


Năm 2006 Tadico, được thành lập  với chức năng chính là sản xuất các sản phẩm cơ điện lạnh, thi công lắp đặt các hệ thống cơ điện lạnh.  Thời điểm thành lập có 5 cổ đông, ngoài ông Quý còn có ông Trần Quang Phước, bà Phạm Thị Hương, ông Lâm Văn Tác và ông Nguyễn Văn Lộc. Tuy nhiên, cổ đông thực sự và góp vốn duy nhất là chỉ một mình ông Quý, các cổ đông khác không góp vốn vào công ty. Theo ông Quý đó chỉ là những cổ phần mang tính tượng trưng mà ông mong muốn sẽ thưởng cho  họ làm động lực nhằm cùng ông xây dựng và phát triển công ty.


Với suy nghĩ đó, ngay từ khi mới thành lập, ông tin tưởng tuyệt đối các cộng sự của mình,  phân công theo từng mảng quản lý để họ  phát huy vai trò của từng cá nhân trong việc xây dựng và phát triển công ty. Theo đó bà Phạm Thị Hương được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách về tài chính; ông Nguyễn Văn Lộc được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách nội chính và ông Lâm Văn Tác được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách dự án.


Bằng sự nhạy bén và là nhà khoa học với nhiều bằng sáng chế được bằng khen cấp Nhà nước, ông Quý đã tìm tòi nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật, cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm giúp cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả,  bước đầu đạt được những kết quả nhất định.


Cũng xuất phát từ hoạt động kinh doanh bước đầu có hiệu quả, đồng thời do tin tưởng cấp dưới, ông Quý tập trung trí lực cùng với đội ngũ kỹ sư điều hành hoạt động xây lắp tại công trường, toàn bộ các hoạt động tài chính và các hoạt động khác được giao cho bà Phạm Thị Hương – Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính và ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Tổng Giám đốc phụ trách nội chính.


Đáng tiếc là niềm tin đó đã trao không đúng người. Các cộng sự thân tín của ông thay vì góp sức xây dựng, phát triển doanh nghiệp, họ lại âm thầm “hưởng thụ” thành quả một cách tham lam. Một trong các mánh lợi họ làm là ăn vào vốn dự phòng của Tadico, tiến hành các thủ tục giải ngân sai các khoản vay tại các ngân hàng.


Thuyền lật

Ông Quý cho xem quyển hóa đơn còn nguyên hai liên trắng nhưng trong hồ sơ rút tiền ngân hàng lại có hóa đơn này?


Khi công ty bước đầu phát triển và thu được những kết quả nhất định, nhận thấy việc dự phòng vốn kinh doanh cho Tadico là vấn đề hết sức cấp thiết, “mặc dù doanh thu hàng năm của Tadico rất lớn, đồng thời lượng vốn tạm ứng của các gói thầu mà Chủ đầu tư tạm ứng cho Tadico từ 30% – 70%, nên Tadico chưa bao giờ rơi vào tình trạng thiếu vốn”, ông Quý chia sẻ.


Mục đích đưa các tài sản cá nhân và của gia đình  ông Quý vào Công ty để thiết lập hạn mức bảo lãnh cho các gói thầu hiện tại và tương lai (để ký được hợp đồng và nhận được tiền tạm ứng, bắt buộc Công ty phải được Ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh) .


Theo đó, ông Quý  ký lần lượt hai hợp đồng tín dụng hạn mức 3,5 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo là của cá nhân ông Quý với Ngân hàng TMCP Đông Á . Tiếp đó, ông ký các hợp đồng tín dụng với hai ngân hàng khác với hạn mức 24,5 tỷ đồng và 15,650 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo là của ông Quý và một số cá nhân khác.


Sau khi ký các Hợp đồng tín dụng trên, có những thời điểm TADICO cần vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh nên đã giải ngân một phần vốn vay theo hạn mức. Tuy nhiên khi ông Quý đề nghị tiến hành giải ngân thì mới ngã ngửa, trên sổ sách kế toán Tadico đã giải ngân tại các ngân hàng là gần 44 tỷ đồng từ bao giờ.


 Ông Quý giật mình vì Tadico có rất nhiều nguồn thu từ các dự án thi công nên không thể phát sinh khoản nợ giải ngân lớn đến như vậy. Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, ông cho kiểm tra lại hồ sơ chứng từ mới phát hiện nhóm nhân sự của công ty cấu kết với cán bộ tín dụng của các ngân hàng  làm giả các chứng từ giải ngân. Họ làm giả từ hợp đồng, đến sử dụng các giấy tờ, ủy nhiệm chi và Séc rút tiền do ông ký sẵn. Thậm chí còn phô tô chữ ký, cho nhân viên ngồi ký giả chữ ký rồi đem đi scan  để lắp ghép vào các hồ sơ nhằm giải ngân các khoản vay trên từ các ngân hàng.


Việc giải ngân các khoản vay này không có sự đồng ý của ông Quý, nhưng tiếc thay cán bộ tín dụng các ngân hàng vẫn phớt lờ quy chế nghiêm ngặt, giúp cho các đối tượng trong công ty chiếm đoạt gần 43 tỷ đồng.



  Mời bạn đọc đón đọc kỳ 2: Bóc mẽ thủ đoạn

Trung Nguyên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo