Xã hội

Vì sao Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy dữ dội thời gian qua?

(DNVN) - Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), nguyên nhân xảy ra cháy một phần không nhỏ là do người dân chưa tự chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chỉ chưa đầy 1 tháng trở lại đây, tại nhiều khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra cháy khiến người dân thực sự bất an. Trong đó, có thể kể đến một số vụ cháy điển hình thời gian vừa qua như vụ cháy nhà trên phố Đinh Lễ, phố Bát Đàn thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và thậm chí xảy ra vụ cháy nhà xưởng trên phố Minh Khai, Hai Bà Trưng; hay vụ cháy chợ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra những vụ cháy thường xuyên xảy ra tại Hà Nội trong dịp đầu năm, phóng viên báo Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Nguyễn Trường Sơn Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn công tác PCCC trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa. 

Đại tá Nguyễn Trường Sơn Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) số 2. Ảnh Nguyễn Dương.

PV: Thưa ông, gần đây không ít khu vực trên địa bàn TP. Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy khiến người dân lo lắng. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy như vậy?.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy trong thời gian ngắn do ý thức chủ quan của gia đình, chủ doanh nghiệp không quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy dẫn đến thực tế xảy ra nhiều vụ cháy gần đây.

Trên thực tế, Phòng Cảnh PCCC số 2 đã có nhiều khóa tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy đến các tổ trưởng tổ dân phố, tổ phó dân phố đến bí thư chi bộ để họ nắm được và trực tiếp hướng dẫn người dân trang bị phương tiên, sử dụng các thiết bị để phòng cháy chữa cháy nhưng người dân còn khá bàng quan đến công tác PCCC.

Tôi lấy ví dụ, có những  buổi tập huấn tuyên truyền đến cho 3-4 tổ dân phố trên địa bàn phường nhưng chỉ được khoảng 20 người dân tham gia. Không ít người dân có điều kiện kinh tế nhưng rất hiếm khi nghĩ đến việc trang bị các phương tiện PCCC để phòng chống nguy cơ cháy nổ trong gia đình.

Mặc dù vậy, chúng tôi xác định việc tuyên truyền, phổ biến công tác phòng cháy chữa cháy đến người dân vẫn vô cùng quan trọng nên thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tư vấn kỹ năng PCCC cho người dân.

 

Tại các buổi tập huấn này, chúng tôi thậm chí còn đưa mô hình tạo hiện trường mô phỏng vụ cháy, hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa dập lửa để người dân thực hành. Nhiều người dân hào hứng thực hành nhưng thực tế vẫn rất ít người nắm được kiến thức PCCC cơ bản.

Điều quan trọng là người dân tự nâng cao ý thức, tích cực tham gia tập huấn để am hiểu công tác PCCC cũng như hướng dẫn những thành viên trong gia đình mình am hiểu về công tác PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.

PV: Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể nào giúp người dân có thể phòng cháy chữa cháy ngay tại gia đình?.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Tại gia đình, các người dân trước khi dời khỏi nhà cần tắt các thiết bị nguồn điện không cần thiết để phòng chống chập điện, cháy nổ.

Người dân cần đề phòng với tất cả những  nguồn “bắt mồi” gây cháy như van bình gas, đèn, nến… Khi sử dụng bình gas, các hộ gia đình cần khóa van gas sau khi sử dụng, bởi chỉ cần rò rỉ khí gas, tiếp xúc với mồi lửa là có thể gây ra đám cháy lớn.

 

Đồng thời, các hộ gia đình khi thắp hương, thờ cúng cần chông coi, không để chân hương, vàng mã bắt lửa có thể gây cháy lan rộng.

Ngoài ra, trong quá trình hàn cắt cần chú ý làm sao để vẩy hàn cách xa các vật dụng 3-5m. Tại khu vực hàn cắt cần tránh xa các vật liệu dễ cháy, khi hàn cắt cần thông báo với hàng xóm, người dân xung quanh và trình báo cơ quan, chính quyền địa phương nếu cần để phòng ngừa mọi yếu tố có thể gây cháy.

Đặc biệt, tại thời điểm xảy ra cháy, cần sử dụng lực lượng và phương tiện tại chỗ để kịp thời dập tắt đám cháy. Lực lượng ở đây cụ thể là các thành viên trong gia đình, người dân xung quanh hỗ trợ dập lửa.

Bên cạnh đó, những phương tiện tại chỗ như bình PCCC, nguồn nước, vải dày đập lửa. Trong trường hợp đám cháy lớn, người dân cần gọi ngay đến số 114 để thông báo cho lực lượng PCCC. Khi gọi điện cần nêu rõ tên tuổi, địa chỉ để được hỗ trợ kịp thời.

PV: Thưa đại tá trong trường hợp xảy ra vụ cháy mà không may bị mắc kẹt giữa đám cháy, cần làm gì để thoát khỏi hỏa hoạn?

 

Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Vào thời điểm đám cháy diễn ra, bằng mọi cách phải thoát khỏi đám cháy. Người dân nên dùng các vật dụng như khăn ướt bịt miệng để tránh việc khói gây bỏng hô hấp, sử dụng thang dây chuẩn bị sẵn hoặc tìm cách thoát sang nhà bên cạnh, hô hoán, cầu cứu người dân xung quanh.

Đối với vụ cháy xảy ra tại khu vực mà mình chưa nắm rõ địa bàn như trung tâm thương mại, quán cà phê, hay nhà chung cư… cần quan sát khu vực thoát hiểm để từ đó tìm được lối, ra khỏi khu vực hỏa hoạn. Với khu vực chưa bị lửa lan tới, cần bịt kín tránh khói bao vây để được cấp cứu kịp thời.

PV: Thời tiết hiện tại khá hanh khô khiến vật dụng dễ bắt lửa, người dân cần làm gì để phòng tránh nguy cơ cháy nổ, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Trường Sơn: Không chỉ thời tiết hanh khô mà bất cứ thời tiết nào, người dân cũng cần đề phòng và tìm mọi cách ngăn ngừa  để không xảy ra tình trạng cháy nhà bởi chỉ trong phút chốc, thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh khỏi.

Từng trực tiếp chỉ đạo, chữa cháy nhiều vụ hỏa hoạn trên địa bàn, tôi chỉ mong rằng người dân làm sao tự nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó khi xảy ra vụ cháy. Bởi nếu đến thời điểm nào đó vô tình bạn trở thành nạn nhân trong đám cháy thì bạn sẽ bị động và sợ hãi. Nếu không có kiến thức về PCCC người dân có thể trả giá bằng mạng sống và tài sản của mình.

 

Nên đọc
Ngọc Huệ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo