Pháp luật

Vì sao hai dự án lớn lỗi hẹn?

Dự án xây dựng Trường quốc tế Unis - Campus được mong đợi là một dự án mang lại nhiều ý nghĩa. Đây cũng là một dự án được chủ đầu tư tuyên bố là trường tư nhân lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án xây dựng Trường quốc tế Unis - Campus được mong đợi là một dự án mang lại nhiều ý nghĩa. Đây cũng là một dự án được chủ đầu tư "tuyên bố" là trường tư nhân lớn nhất Đông Nam Á và được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ.



Sờ đâu cũng thấy sai phạm



Mới đây, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại dự án Trường quốc tế Unis - Campus do Công ty CP tập đoàn giáo dục Unet (Công ty  Unet)  địa chỉ: Xóm Cầu, ngã ba Chợ Xanh, Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội làm chủ đầu tư.

 

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện thời điểm Công ty Unet làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thành lập Trường quốc tế Unis - Campus được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thẩm tra đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 5-8-2008, thay đổi lần thứ nhất ngày 10/5/2011, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc thẩm tra đề nghị thành lập Trường quốc tế Unis -Campus.

 

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Công ty Unet chưa hề đăng ký ngành nghề kinh doanh giáo dục - đào tạo các bậc học phổ thông. Nhưng Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc lại không biết trong quá trình thẩm tra để rồi tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty này đầu tư dự án trường học quốc tế?

 

Trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho dự án, các đơn vị thực hiện mà cụ thể là Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Thành phố Vĩnh Yên đã không có văn bản thông báo thu hồi đất và không gửi quyết định thu hồi đất đến hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai.



Về việc giao Công ty Unet làm chủ đầu tư xây dựng khu đất dịch vụ, đất tái định cư, đất đấu giá quyền sử dụng đất, sử dụng nguồn vốn ngân sách là trái với các quy định của pháp luật.



Công ty  Unet cũng chưa thực hiện xong việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho 2 hộ có đất bị thu hồi với số tiền hơn 55 triệu đồng. Chậm triển khai xây dựng các công trình trong dự án theo tiến độ cam kết phê duyệt...



Không những vậy, Công ty Unet còn tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 1.492,68m2 đất dịch vụ của các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi. Sau đó chuyển nhượng quyền sử dụng đất 1.400m2 cho 14 cá nhân bằng hình thức hợp đồng góp vốn. Số tiền thỏa thuận ghi trong hợp đồng là hơn 2 tỷ đồng, số tiền đã thu là gần 2 tỷ đồng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép...

 


Lợi dụng chính sách ưu đãi để làm sai



Giao đất không đúng đối tượng, việc sử dụng đất không đúng mục đích, thành lập trường học không đúng quy định pháp luật… Đó có phải là những lý do có đủ căn cứ pháp luật khiến người dân có đất bị thu hồi nhất quyết không giao đất cho công ty tiến hành xây dựng, đồng thời ráo riết khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra tòa yêu cầu hủy bỏ dự án?

 

Nhiều người dân và dư luận nơi đây cho rằng, đây  thực chất chỉ là dự án "ma" núp danh nghĩa dự án giáo dục để kinh doanh bất động sản. Ban đầu diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho dự án là hơn 17ha tại phường Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên. Nhưng sau một hồi "vòng vo" và qua một vài chữ ký, một phần dự án giáo dục đã trở thành dự án kinh doanh bất động sản đúng nghĩa.

 

Minh chứng cho việc chuyển đổi một phần  đất dự án xã hội (xây dựng trường học) thành dự án kinh doanh bất động sản là hàng loạt các quyết định điều chỉnh để cuối cùng từ hơn 17ha đất dự án xây trường học đến nay đã "teo" lại còn khoảng 6,8ha. Diện tích còn lại theo lãnh đạo phường Khai Quang nói là không đủ để xây dựng một trường mầm non chứ nói gì đến một trường quốc tế (!?)



Chọn nhầm mặt để gửi vàng



Một dự án khác thể hiện việc giao đất tùy tiện của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là: "Dự án đầu tư xây dựng khu Nông lâm nghiệp công nghệ cao Bình Xuyên", báo PL&XH cùng nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về những điểm bất cập của dự án này trong thời gian dài.

 

Đây cũng là một dự án nhận được nhiều ưu đãi vì đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (dự án có điều kiện) nhưng thay vì việc thẩm tra kỹ để giao hơn 12ha đất (quỹ 1) cho đơn vị, tổ chức đủ điều kiện đầu tư thì tỉnh Vĩnh Phúc lại giao đất cho một công ty tư nhân (Công ty THNH Nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Xuyên) mới thành lập không đủ điều kiện, năng lực để đầu tư  khiến cho dự án có nhiều ý nghĩa này trở thành một "nghi án nuốt đất" gây bức xúc dư luận tại địa phương.

 

Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 17/9/2010 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng do người dân không giao đất. Một số người dân cho rằng đây không phải là dự án do Nhà nước đầu tư nên việc thu hồi đất phải có sự thỏa thuận đền bù giữa công ty và người có đất bị thu hồi.


Chính việc giao đất không đúng đối tượng nói trên của UBND tỉnh Vĩnh Phúc khiến hai dự án xã hội hóa có ý nghĩa rất quan trọng này đến nay gần như vẫn "dậm chân tại chỗ", mà nguyên nhân là do đối tượng được giao đất không đủ năng lực để đầu tư hoặc đối tượng được giao đất đã thực hiện sai mục đích sử dụng đất so với giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. 

 

Để tránh việc "thảm đỏ" của tỉnh bị "chùi chân" như các dự án đã nêu nói trên, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần mạnh tay xử lý các vi phạm trong thực hiện cam kết đầu tư hoặc thu hồi khi nhà đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án.


 

Theo Pháp luật & Xã hội

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo