Quốc tế

Vì sao Iran cho phép Nga sử dụng các căn cứ không quân?

(DNVN) - Trong bài báo có tiêu đề "Tại sao Iran cho phép Nga sử dụng các căn cứ không quân của Iran?", nhật báo La Croix nhận định đây là một biện pháp dựa trên sự tin cậy giữa hai nước.

Sự hợp tác mà Nga và Iran áp dụng từ ngày 16/8/2016 là chưa từng có. Từ sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ 2, Iran chưa bao giờ tiếp nhận các đơn vị quân đội nước ngoài đến đóng căn cứ tại nước này. 

Việc Nga là nước đầu tiên có căn cứ quân sự tại Iran có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự và ngoại giao, vì liên minh Nga - Iran thể hiện vị thế của cả hai nước về vấn đề Syria. Kiểu liên minh này đối lập với kiểu liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu bị Nga đánh giá là yếu kém. Trên thực tế, Nga và Iran có nhiều bất đồng, đặc biệt về mục tiêu tấn công hoặc vai trò trao cho tổng thống Syria Bachar Al Assad. Nhưng đối với cả Nga và Iran, liên minh lần này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.

Ảnh minh họa.

Liên minh giữa Matxcơva và Teheran diễn ra trong bối cảnh quan trọng và phức tạp. Nói như vậy là vì có thể Nga và Mỹ sẽ lên kế hoạch về một liên minh quân sự ở Aleppo, trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại bất ngờ quay lại hợp tác. Ở Syria, khi đặt căn cứ thường trực tại Hmeimim, Nga đã cho thấy mong muốn đóng quân lâu dài tại Syria và có được thế mạnh trong giải quyết khủng hoảng.

Từ khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Mỹ đã rút ra khỏi khu vực, điều này có lợi cho Nga. Với sự hiện diện đương nhiên trong khu vực, Mátxcơva có được toàn bộ ưu thế vì Trung Đông đã trở thành khu vực để Nga khẳng định sức mạnh trên trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là đó không phải là một chiến lược thực sự do Nga lên kế hoạch mà Nga có được là do khôn khéo về chiến thuật khi cơ hội đến với Nga. Về phía Iran, La Croix cho rằng liên minh với Nga cho phép Iran thể hiện khả năng can thiệp của chế độ và vai trò xây dựng của nước này trong khu vực.

La Croix cũng nhận định là liên minh quân sự giữa hai nước cũng phụ thuộc cả vào các yếu tố kinh tế. Ban đầu, Nga muốn sử dụng căn cứ quân sự ở Syria nhưng các oanh tạc cơ của Nga quá lớn. Còn nếu đặt căn cứ tại Iran, Mátxcơva tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu vì thời gian bay ngắn, và cũng vì thế mà các oanh tạc cơ có thể mang thêm nhiều bom.

Liên minh này đặt lại nghi vấn về việc Liên Hợp Quốc cấm vận vũ khí vì Mátxcơva không còn lý do để phong tỏa việc chuyển vũ khí và tên lửa đến Teheran. 

Từ 15 năm nay, hai nước có nhiều hợp tác kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực vũ trang và năng lượng. Sức mạnh của Nga và Iran trong khu vực cũng cho phép hai nước phối hợp để hưởng lợi trong hợp tác kinh tế với các nước láng giềng. Nga đã thành công trong việc phô trương sức mạnh tại thủ đô của mỗi nước, theo La Croix, đây là điểm nổi bật nhất của lần quay lại Trung Đông lần này của Nga. 

 

Nên đọc
Hòa Lộc (theo RFI)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo