Xã hội

Vì sao khan vắc-xin tiêm dịch vụ?

Trước tình trạng khan hiếm vắc-xin tiêm dịch vụ, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, cho biết, độ trễ giữa lúc nhu cầu tiêm rộ lên và vắc-xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ khoảng 3 tháng; Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ đưa thêm một số vắc-xin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trẻ em được tiêm vắc-xin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội . Ảnh: Như Ý

 

Ông Nguyễn Tất Đạt cho biết, khác vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được dự trù hằng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc-xin dịch vụ được nhập khẩu, phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc-xin nhập khẩu, trong khi vắc-xin là một loại sinh phẩm không thể để lâu, không chế biến lại được.

Vì vậy, chỉ khi cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ đặt hàng, doanh nghiệp dược mới đặt hàng hãng dược nước ngoài và lúc đó, họ mới bắt đầu sản xuất. “Độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc-xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc-xin”, ông Đạt nói.

Theo quy định hiện hành, bất kỳ công ty nào đủ điều kiện kinh doanh vắc-xin đều được nhập khẩu vắc-xin có số đăng ký mà không cần giấy phép của Bộ Y tế và không giới hạn về giá trị. Bên cạnh các vắc-xin đã có số đăng ký (hiện có 56 loại), Cục Quản lý Dược mới đây cấp giấy phép cho doanh nghiệp nhập khẩu 300.000 liều vắc-xin Varivax, gần 20.000 liều vắc-xin Varicella, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng ngừa các bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân như thủy đậu.

Vừa qua, Cục Quản lý Dược nhận được thông tin từ nhà sản xuất, vắc-xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib có thay đổi về cơ sở sản xuất, nên số lượng và thời gian nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch. “Tuy nhiên, điều này không quá lo ngại. Bởi thực tế, tại Việt Nam, các vắc-xin có khả năng phòng bệnh tương tự như các vắc-xin trên vẫn đang được tiêm miễn phí cho trẻ trên toàn quốc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng”, ông Đạt khẳng định.

Đề xuất bổ sung vắc-xin mới


Bộ Y tế đang tích cực làm đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắc-xin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, cụ thể là “thêm vắc-xin phòng bệnh do rota virus, vắc-xin phòng bệnh do phế cầu”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết. Trước đó, năm 2015, thêm vắc-xin rubella (dưới hình thức phối hợp sởi-rubella), năm 2010, thêm vắc-xin phòng bệnh do Hib (dưới hình thức phối hợp 5 trong 1)…

Ông Đạt thông báo, các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin của Việt Nam đã sản xuất, cung ứng được 10/12 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. “Không có nhiều quốc gia tại khu vực hay các quốc gia có điều kiện tương đương Việt Nam có thể chủ động được vắc-xin như vậy”, ông nói.
 

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo