Vì sao khởi tố kẻ đe dọa Chủ tịch Bắc Ninh tội khủng bố?
Liên quan đến hành vi nhắn tin đe dọa, chửi bới, xúc phạm của bị can Nguyễn Trọng Phương (37 tuổi, trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố tội Khủng bố, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết, đầu tiên phải khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật, theo tin tức trên báo VOV.
Việc xử lý những người thực hiện hành vi này một cách nghiêm minh là cần thiết để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên chế tài xử lý được áp dụng là hành chính hay hình sự thì còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ, nội dung, mục đích nhắn tin.
Về vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa, cơ quan điều tra khởi tố người nhắn tin là Nguyễn Trọng Phương về tội Khủng bố và Trần Anh Thuận (36 tuổi, quê Bắc Ninh) về tội Không tố giác tội phạm.
Liên quan đến vụ việc, dư luận đặt câu hỏi đối tượng Phương đã nhắn tin với những nội dung gì để cơ quan điều tra truy tố về tội Khủng bố? Theo luật sư Vũ Văn Thiệu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): Quá trình điều tra, chắc chắn cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi, nội dung cũng như mục đích của những tin nhắn của đối tượng Phương rồi mới đi đến quyết định khởi tố với tội danh Khủng bố, theo Đời sống Plus.
“Không nên nghĩ đơn giản chỉ vài câu nhắn tin đe dọa “thông thường” đã bị khởi tố về tội Khủng bố. Trong quá trình làm việc với cơ quan công an, chắc chắn đối tượng phải thừa nhận hành vi của mình – hành vi đó đủ cấu thành tội Khủng bố. Những tin nhắn đe dọa là biểu hiện của một chuỗi hành vi để đạt được mục đích của đối tượng”, luật sư Thiệu nói.
Cũng theo luật sư Thiệu, có nhiều yếu tố cấu thành tội Khủng bố. Trong trường hợp này, mục đích của đối tượng là nhắn tin đe dọa, gây hoang mang hòng khiến người bị đe dọa, người có thẩm quyền làm hoặc không làm việc mà đối tượng nhắn tin mong muốn.
Những tin nhắn của đối tượng cũng có thể đe doạ xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức... Như vậy, đủ điều kiện để khởi tố đối tượng về tội danh Khủng bố.
“Tại sao lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh phải kiến nghị lên tận Thủ Tướng, phải “cầu cứu” đến Bộ công an? Chúng ta chỉ có thể biết được điều đó khi cơ quan công an công bố kết luận điều tra”, luật sư Thiệu nói.
Trước đó ngày 16/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc nhiều lãnh đạo tỉnh này bị đe dọa sau khi địa phương quyết định dừng dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị Thủ tướng “chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ T.Ư đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.
Sau khi vào cuộc, ngày 2/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Phương và Thuận. Cơ quan công an xác định hai đối tượng này đã trực tiếp dùng điện thoại nhắn tin đe dọa ông Chủ tịch UBND và một số cán bộ tỉnh Bắc Ninh với nội dung: “Để yên cho người khác làm ăn”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo