Pháp luật

Vì sao nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình bị khởi tố?

(DNVN) - Ông Đặng Thanh Bình được xác định liên quan đến vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Như thông tin đã đưa, ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ông Đặng Thanh Bình được xác định liên quan đến vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định và Lệnh đối với bị can Đặng Thanh Bình, đồng thời khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Đặng Thanh Bình.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 2214/TB-TTCP về việc thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó chỉ ra loạt thiếu sót trong công tác giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, về thực hiện chức năng giám sát, công tác giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng để đánh giá chính xác các nội dung: Diễn biến về cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh; việc thực hiện quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác.

Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa có trong việc phát hiện các tiềm ẩn rủi ro, chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng; chưa phát huy được hiệu quả của vai trò cảnh báo hệ thống; việc tổng hợp, xử lý thông tin và phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng với Trung tâm thông tin tín dụng CIC chưa phát huy được hiệu quả trong hoạt động giám sát các tổ chức tín dụng.

Chất lượng các báo cáo giám sát cũng như các văn bản cá biệt chưa xuất xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm hành chính của một số đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật nhằm chấn chỉnh việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của các tổ chức tín dụng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, việc lựa chọn đối tượng thanh tra tại kế hoạch thanh tra chi tiết của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng chưa phù hợp với định hướng.

 

Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời; không rà soát và phối hợp với kết quả giám sát từ xa để xây dựng kế hoạch.

Đối với Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, ngân hàng Nhà nước Hà Nội, ngân hàng Nhà nước TPHCM, Thanh tra Chính phủ xác định một số kết luận thanh tra việc kiến nghị, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật; chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Các tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý, ngăn chặn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành quyết định đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 3, Điều 146, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Đối với công tác phòng chống tham nhũng, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng các văn bản hướng dẫn về kê khai và công khai tài sản, thu nhập của ngân hàng Nhà nước không tuân thủ các quy định. Điều này dẫn tới việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của ngân hàng Nhà nước hàng năm chưa đúng về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, chậm thời gian.

Nên đọc
Minh Tâm
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo