Pháp luật

Vì sao nguyên Phó Tổng Giám đốc Vifon kháng cáo?

TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ “đại án” Vifon hồi cuối tháng 11.2013, tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vifon - 25 năm tù về tội “tham ô tài sản” và 15 năm tù tội “lạm dụng tín nhiệm”, tổng cộng hình phạt là 30 năm tù, phải trả cho Bộ Công Thương hơn 9,8 tỉ đồng và 1,3 tỉ đồng cho Cty Vifon. Bà Huyền kháng cáo, vì cho rằng không phạm tội “tham ô tài sản”.

Đại diện Nhà nước từ chối tư cách bị hại...

Ngày 16.3, nguồn tin TAND Tối cao tại TPHCM, dự kiến ngày 24.3 sẽ xét xử phúc thẩm vụ “đại án” Vifon. Trong các bị cáo nộp đơn kháng cáo, thì Nguyễn Thanh Huyền là bị cáo duy nhất bị tòa sơ thẩm tuyên án “tham ô tài sản” và bà Huyền kháng cáo, cho rằng không phạm vào tội danh này.
 
Bởi suốt phiên tòa sơ thẩm, đại diện Bộ Công Thương, cũng như đại diện Bộ Tài chính đều từ chối là “nguyên đơn dân sự” (bị hại trong vụ án); Vậy 2 bộ này có thiệt hại trong vụ án? Nhà nước có thiệt hại tài sản hay không? Và bị cáo Huyền có “tham ô tài sản”? Đó là những câu hỏi lớn mà phiên xử phúc thẩm sẽ làm sáng rõ.
 
Bởi trong diễn biến phiên tòa sơ thẩm, tại phần thẩm vấn, vị đại diện Bộ Công thương có đến tham dự phiên tòa một vài ngày, nhưng cũng từ chối trả lời những vấn đề liên quan đến vụ án và không có mặt tại phiên tòa trong những ngày còn lại. Riêng vị đại diện Bộ Tài chính được tòa triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng.
 
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Huyền) cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, việc Bộ Công thương và Bộ Tài chính kiên quyết từ chối tư cách nguyên đơn dân sự ngay từ khi Cơ quan điều tra và Viện KSND tối cao yêu cầu trong giai đoạn điều tra bổ sung cho đến suốt quá trình diễn ra phiên tòa sơ thẩm là hoàn toàn có căn cứ về mặt pháp lý”.
 
Vậy Nhà nước có thiệt hại?
 
Với những lý do mà luật sư Phan Trung Hoài nhận định về 2 Bộ từ chối nguyên đơn dân sự: “Qua thẩm tra công khai tại phiên tòa sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được một yêu cầu đặc biệt quan trọng nêu trong văn bản số 09/VKSTC-V1B ngày 28.4.2010 là số tiền 11.272.799.400 đồng Nguyễn Thanh Huyền chiếm đoạt cần kết luận những khoản tiền nào lấy trong giai đoạn Cty còn 100% vốn Nhà nước, những khoản tiền nào lấy trong giai đoạn Cty còn 51% vốn Nhà nước, những khoản tiền nào lấy trong giai đoạn đã cổ phần hóa xong, không còn vốn Nhà nước, chỉ còn vốn các cổ đông?”.
 
Chính Cơ quan điều tra cũng nhận định tính chất phức tạp của vụ án thể hiện “Lợi dụng việc Cty huy động vốn tiết kiệm cá nhân và quá trình cổ phần hóa đã lập nhiều chứng từ giả thu, giả chi và dùng nghiệp vụ tài chính kế toán điều chỉnh, cân đối tài khoản để lấy tiền Cty rồi chuyển thành tiền cá nhân, trộn lẫn tiền thật cá nhân và tiền phạm pháp gửi tiết kiệm, sau đó một thời gian lâu mới rút ra sử dụng cá nhân nên khó bị phát hiện”.
 
Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng không bóc tách được bản chất, nguồn gốc các khoản tiền bị quy buộc chiếm đoạt, nên kết luận bà Nguyễn Thanh Huyền “tham ô tài sản” là chưa bảo đảm căn cứ.
 
“Có một nghịch lý là trong khi bà Nguyễn Thanh Huyền bị quy buộc tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của Cty Vifon thì thực tế Cty Vifon đang phải thi hành bản án phúc thẩm số 154 ngày 3.9.2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM trả cho bà Nguyễn Thanh Huyền tổng cộng 5.978.120 đồng là giá trị của các kỳ phiếu, tiền cổ tức từ năm 2006 đến 2011 và tiền lãi; phải thi hành bản án phúc thẩm số 155 ngày 3.9.2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM trả cho ông Lê Văn Hải là chồng bà Nguyễn Thanh Huyền tổng cộng 6.485.130.716 đồng là tiền huy động vốn và lãi, tiền cổ tức và lãi.
 
Sự kiện mới phát sinh này cho thấy, gia đình bà Nguyễn Thanh Huyền không chỉ gắn bó với Cty Vifon từ những ngày đầu tiên thành lập, mà còn là cổ đông của Cty, về nhận thức chủ quan không có ý thức chiếm đoạt tài sản của Nhà nước cũng như của các cổ đông khác trong Cty” - luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh.
Báo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo