Pháp luật

Vì sao ông Nguyễn Anh Minh - Tổng giám đốc PVC bị bắt?

Dưới thời Trịnh Xuân Thanh, PVC trở thành “con nợ khủng” của các ngân hàng. Doanh nghiệp này bắt đầu kinh doanh sa sút từ 2012.

Liên quan đến vụ việc Tổng giám đốc PVC – Nguyễn Anh Minh (40 tuổi) cùng hai đồng sự Nguyễn Đức Hưng (34 tuổi), nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Bùi Mạnh Hiển (41 tuổi), Chánh Văn phòng PVC bị cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an khởi tố để điều tra vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản,  ngày 30/9, PVC đã chính thức lên tiếng, theo tin tức trên báo Kiến thức. 

Ông Nguyễn Anh Minh - Tổng giám đốc PVC bị cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam ngày 29/9.

Theo PVC, đây là vụ việc liên quan đến giai đoạn trước. Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, đồng thời bố trí cán bộ thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Tổng công ty sẽ chủ động có thông tin cụ thể tới các cơ quan báo chí, các cổ đông khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng. Hiện Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng của cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.

Dưới thời Trịnh Xuân Thanh, PVC trở thành “con nợ khủng” của các ngân hàng. Doanh nghiệp này bắt đầu kinh doanh sa sút từ 2012, thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong năm này doanh thu của PVC giảm nghiêm trọng do không có nguồn việc làm mới cho người lao động, báo Vnexpress đưa tin.

Cùng với đó, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ và đặc biệt là hàng loạt công ty con, công ty liên kết mà PVC đã rót vốn đồng loạt làm ăn thua lỗ trong năm này, đã khiến PVC lỗ gần 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012 và tăng lên gấp đôi một năm sau đó. Tổng cộng khoản tiền lỗ của PVC gần 3.300 tỷ đồng.

Một trong số dự án có “bóng dáng” của ông Trịnh Xuân Thanh và tới nay vẫn nằm trong số dự án ì ạch, chưa thể hoàn thành sau 5 năm đầu tư là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

 

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVienam và PVC được giao làm nhà thầu và liên doanh với một số nhà thầu khác tại dự án. Đây là dự án có công suất thiết kết 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). 5 năm sau dự án mới hoàn thành 79,4% kế hoạch. 

Đa số nhà thầu không chủ động được nguồn lực để thi công hoặc thi công cầm chừng, như nhà thầu PVC – PT, PVC – MS… Công tác mua sắm vật tư thiết bị của tổng thầu PVC chậm, không đáp ứng tiến độ thi công lắp đặt hoặc đã ký hợp đồng nhưng do chưa thanh toán nên nhà cung cấp từ chối giao hàng.

Việc một số cán bộ chủ chốt tại PVC bị khởi tố, điều tra đã phần nào ảnh hưởng tới việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị... Bản thân PVC sau một thời gian vật lộn cùng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 kiến nghị tập đoàn mẹ - PetroVietnam lập tổ công tác, hỗ trợ xử lý khó khăn, tồn đọng.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Kiến thức, Vnexpress)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo