Pháp luật

Vì sao ông Trịnh Xuân Thanh bị truy nã?

(DNVN) - Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn nên đã phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.

Như tin tức đã đưa, ngày 16/9, theo tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trước đó, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh (phải). Ảnh: website Bộ Công Thương.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Theo báo giới, ông Trịnh Xuân Thanh bị truy bắt  vì cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.

Trươc đó, ngày 15/9, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với 4 bị can nêu trên.

Trước đó, ngày 8/9, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. 

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (số 33-BC/UBKTTW, ngày 7/9/2016, Ban Bí thư đã kết luận 3 nội dung. Trong đó, có nhắc rõ rằng trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng đồng chí Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân tron Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

 

Những vi phạm, thua lỗ trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, đồng chí Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm vi phạm của mình.

Nên đọc
Hòa Lộc
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo