Quốc tế

Vì sao phái đoàn Nga tới Triều Tiên trước thềm cuộc gặp lịch sử với Mỹ?

Một phái đoàn Nga trong tuần này đã tới Bình Nhưỡng để thảo luận kế hoạch xây dựng cây cầu nối biên giới hai nước trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao trong hai tháng tới.

Kế hoạch xây cầu

Triều Tiên chia sẻ đường biên giới chung với 3 quốc gia là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, trong đó đường biên giới với Nga chỉ kéo dài 17 km và chạy dọc theo sông Đồ Môn. Hiện chỉ có một lối qua lại duy nhất giữa Nga và Triều Tiên với tên gọi “cầu Hữu nghị”. Cây cầu này được mở từ năm 1959 và là tuyến đường kết nối hệ thống đường sắt của hai quốc gia láng giềng.

Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Alexander Galushka (thứ hai từ phải qua) dẫn đầu họp bàn cùng các quan chức Triều Tiên hôm 21/3. Ảnh: KCNA.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu hạ nhiệt và các cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn, Triều dự kiến diễn ra trong 2 tháng tới, một phái đoàn Nga trong tuần này đã tới Triều Tiên để thảo luận kế hoạch mở thêm một cây cầu mới giữa hai nước. Mặc dù kế hoạch này dường như mới ở giai đoạn đầu, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy cả Nga và Triều Tiên đều đang tìm cách tăng cường hoạt động giao thương giữa lúc các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng được gia tăng để gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Theo Washington Post, cả Nga và Triều Tiên từ lâu đã tính đến việc mở một tuyến đường cho phép các phương tiện của hai nước di chuyển qua lại mà không cần đi đường vòng, vốn mất nhiều thời gian, qua Trung Quốc. Bộ Phát triển Viễn Đông Nga ngày 21/3 thông báo Moscow và Bình Nhưỡng đã thiết lập một nhóm công tác để thảo luận về việc thiết lập cây cầu mới.

“Hiện có 23 trạm kiểm soát tự động giữa Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng không có trạm kiểm soát nào với Nga. Hiện tại, khi nhập khẩu hàng hóa từ vùng Viễn Đông Nga, Triều Tiên không đi qua biên giới với Nga mà đi qua Trung Quốc. Việc này đã kéo dài đáng kể tuyến đường đi”, Bộ Phát triển Viễn Đông Nga dẫn lời ông Ro Tu Chol, một bộ trưởng Triều Tiên, phát biểu trong cuộc gặp giữa hai nước.

Theo thông báo của Bộ Phát triển Viễn Đông Nga, Bộ trưởng Ro đề xuất mở rộng cây cầu hiện tại giữa Nga và Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Nga Alexander Galushka, đại diện của Nga tại cuộc họp với Triều Tiên, đề xuất xây dựng một cây cầu phao.

Quan hệ kinh tế

 

Các binh sĩ Nga đứng gác trên cầu nối biên giới Nga - Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Anthony Rinna, nhà phân tích về chính sách đối ngoại Nga ở Đông Á, nhận định cây cầu nối biên giới mới giữa Triều Tiên và Nga có thể được sử dụng để ứng phó với bất kỳ vấn đề “bất ngờ” nào xảy ra, như các sự cố về hậu cần và kỹ thuật, khiến tuyến đường sắt hiện thời giữa hai nước không thể hoạt động.

Theo học giả Benjamin Katzeff Silberstein tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cây cầu nối Nga và Triều Tiên mang giá trị biểu tượng hơn là giá trị kinh tế. Học giả Silberstein cho rằng quan hệ thương mại Nga - Triều vốn không đáng kể, phần lớn do các lệnh trừng phạt đa phương của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên về lâu dài, thương mại hai nước có thể sẽ tăng trưởng trở lại.

Nga và Triều Tiên từng duy trì quan hệ thương mại gần gũi trong quá khứ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô được xem là đồng minh kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên, chiếm tới một nửa kim ngạch thương mại nước ngoài của Bình Nhưỡng trong thập niên 1970 và 1980. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ, mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu xa cách, đặc biệt khi tổng thống mới của Nga là Boris Yeltsin tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Hàn Quốc.

Quan hệ song phương Nga - Triều bắt đầu khởi sắc trở lại khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền. Ông Putin tới thăm Bình Nhưỡng năm 2000 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai nước không tăng trưởng nhiều. Năm 2013, Nga chỉ chiếm 1% trong thương mại nước ngoài của Triều Tiên, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Rào cản trừng phạt

 

Than đá chất thành đống tại cảng ở Rason, Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Mặc dù cả Nga và Triều Tiên đều mong muốn cải thiện mối liên kết về kinh tế, nhưng việc Bình Nhưỡng trở thành “điểm nóng” quốc tế do chương trình vũ khí gây tranh cãi khiến mối quan hệ giữa hai nước chưa được như kỳ vọng. Nga đã ủng hộ nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên, bao gồm việc hạn chế người lao động Triều Tiên tới Nga làm việc.

Giáo sư chính trị quốc tế Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, Nga nhận định, rõ ràng thương mại giữa vùng Viễn Đông của Nga và Triều Tiên đã sụt giảm đáng kể trong 2 năm gần đây. Trước đó, cây cầu đường sắt nối hai nước từng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển than từ Siberia tới cảng Rajin ở thành phố Rason của Triều Tiên.

Theo Giáo sư Lukin, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Nga khó có thể rót tiền vào việc xây cầu với Triều Tiên.

“Triều Tiên sẽ kỳ vọng Nga cấp tiền (xây cầu). Tuy nhiên, không có nhà đầu tư Nga nào, dù là tư nhân hay nhà nước, cam kết theo đuổi dự án này trừ khi những rủi ro chính trị liên quan tới Triều Tiên giảm đi đáng kể”, ông Lukin nói.

Nếu các rủi ro chính trị trong mối quan hệ với Triều Tiên giảm xuống, Nga chắc chắn sẽ được hưởng lợi khi đầu tư vào Triều Tiên. Khi các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng được gỡ bỏ, cảng Rajin của Triều Tiên sẽ tạo cho Nga chỗ đứng quan trọng trong khu vực. Ngoài ra, Moscow cũng có thể kết nối với Hàn Quốc thông qua mạng lưới tàu hỏa, từ đó cho phép mở một tuyến đường chở hàng ra vào châu Âu thông qua Nga, hoặc một đường ống dẫn dầu xuyên bán đảo Triều Tiên để Moscow cung cấp khí đốt cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

 

Nếu bối cảnh chính trị thuận lợi, Nga cũng có nhiều cơ hội phát triển kinh tế tại Triều Tiên. Năm ngoái, một doanh nghiệp Nga đã cấp đường truyền kết nối Internet mới cho Triều Tiên thông qua hệ thống dây quang học chạy dọc cây cầu nối hai nước. Và đến bây giờ Nga tiếp tục lên kế hoạch xây một cây cầu mới.

“Không sớm thì muộn Triều Tiên cũng thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập. Khi đó, cây cầu (nối Nga - Triều) sẽ có nhu cầu sử dụng cao”, ông Lukin nhận định.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo