Xã hội

Vì sao phải xây cầu sắt song song cầu Long Biên?

Hà Nội đã tính toán như thế nào khi quyết định làm cầu đường sắt này?", ông Phạm Sỹ Liêm đặt câu hỏi.

Cầu Long Biên

 Thành ủy Hà Nội vừa thông báo kết luận về việc chọn phương án xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng, thuộc dự án đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1).

Theo đó, Thành ủy Hà Nội cơ bản nhất trí với phương án đề xuất vị trí xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.
 
Thành ủy Hà Nội lưu ý, UBND thành phố cần thống nhất được phương án này với các bộ, ngành liên quan để cùng trình Thủ tướng Chính phủ.
 
Nêu quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Sỹ Liêm tỏ ra không hiểu vì sao Hà Nội phải làm một cầu đường sắt song song và cách cầu Long Biên 75m.
 
"Tôi chỉ có thể nói 75m thì tốt hơn 30m nhưng tôi cũng không hiểu vì sao lại không thể cách xa hơn nữa", ông Liêm nói.
 
Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng băn khoăn không hiểu vì sao Hà Nội phải làm một câu đường sắt đi qua thành phố? Nếu chở hàng chúng ta đã có đường sắt đi vòng qua Cầu Thăng Long, vậy tại sao lại cần đường sắt này?
 
Ông Liêm đặt câu hỏi, "Phải chăng cầu đường sắt này chỉ để chở người, nếu như vậy thì không cần phải làm một cầu đường sắt vì vừa tốn kém vừa mất mỹ quan. Nhất là khi thi công, cắm trụ cột cầu xuống lòng sông Hồng là đã gây cản trở dòng nước. Ngay cả vấn đề giảm tải giao thông cũng là bài toán lớn. Hà Nội đã tính toán như thế nào khi quyết định làm cầu đường sắt này?", ông Phạm Sỹ Liêm đặt câu hỏi.
 
"Hà Nội nên từ bỏ ý tưởng làm cầu đường sắt để tiết kiệm tiền cho ngân sách, giảm ùn tắc cho thành phố", ông Liêm nêu ý kiến.
 
KTS Nguyễn Văn Định cũng cho rằng cả ba phương án trước đó đều đã không nhận được sự ủng hộ vì mục tiêu bảo tồn cầu Long Biên. "Dựa vào luận chứng khoa học nào, cơ sở nghiên cứu văn hóa - lịch sử nào để Hà Nội đưa ra phương án đó", ông Định cho biết.
 
Vị KTS này cho rằng, xây cầu sắt cách cầu Long Biên 75m là một khoảng cách quá gần, nhất là trong một không gian rộng lớn thì việc xuất hiện một cây cầu mới nằm bên cạnh cầu Long Biên sẽ dẫn tới phá vỡ không gian, cảnh quan của một di sản.
 
Vấn đề xây mới và bảo tồn cầu Long Biên trước đó đã gây nhiều tranh cãi. Trước 3 phương án (cách 30m, 50m và 180m) của Bộ GTVT về phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên để lấy ý kiến dư luận.
 
Thủ tướng đã thẳng thắn yêu cầu phải giữ lại cầu Long Biên, không được phá. “Đưa cây cầu đi chỗ khác để bảo tồn tôi nghe thấy hơi lạ”-Thủ tướng nói.
 
Về vấn đề này KTS Hoàng Thúc Hào cũng cho rằng cả 3 phương án của Bộ GTVT đều không thuyết phục. "Giải pháp bảo tồn tốt nhất cho cầu Long Biên là bảo tồn nguyên trạng”.
 
Dưới góc độ là một chuyên gia về kiến trúc đô thị, KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng, bảo tồn cầu Long Biên ngành giao thông nên cân nhắc kỹ tính duy nhất, dù với bất kỳ phương án nào.
 
Do đó, để giữ lại được cầu Long Biên, những người có trách nhiệm sẽ phải tìm ra phương án hợp lý. Trên quan điểm, lịch sử là lịch sử, không thể thay thế hoàn toàn cái cũ bằng cái mới. Lịch sử là cái này sống trong cái kia, cái quá khứ sống trong cái đương đại. Nhưng quan trọng nhất là để giá trị bảo tồn sống thực sự chứ không phải sân khấu hoá, dù công phu hào nhoáng đến đâu.
 
Với cây cầu Long Biên, việc bảo tồn đầu tiên phải bàn tới là những giá trị cộng đồng nó đã đảm đương, đang đảm đương và nhiệm vụ của nó sẽ sống chung thế nào trong thiết chế văn hoá đô thị sắp tới, trong đó có giao thông (chứ không chỉ có giao thông). Bộ mặt cầu Long Biên, trước tiên vẫn là cầu, nhưng vai trò và vận mệnh của nó sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí lớn lao khi sẽ khoác lên mình chiếc áo bảo tồn.
Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo