Vì sao phán quyết của PCA quan trọng?
Với việc Bắc Kinh ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Phililippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan vào năm 2013. Và khoảng 4 giờ chiều nay, Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế này. Phán quyết sẽ được gửi qua email cho các bên liên quan.
Phán quyết của tòa có thể làm rõ nhiều vấn đề đang là trung tâm của những tranh chấp lãnh thổ nảy lửa ở Biển Đông, đồng thời có thể khơi dậy một loạt căng thẳng vốn đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Vì sao phán quyết của PCA quan trọng?
Kiểm soát Biển Đông là một vấn đề ngoại giao đáng chú ý nhất tại Đông Á, với việc Trung Quốc vô cớ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng 3,5 triệu km vuông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Washington đã ủng hộ các bước đi chống lại Trung Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc tuần tra quân sự.
Mặc dù vụ kiện chỉ do phía Philippines đưa ra, nhưng phán quyết của tòa đưa ra vào chiều nay sẽ tác động đến tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này, bởi nó đặt câu hỏi về tính pháp lý về tuyên bố đường chín đoạn do Bắc Kinh đơn phương đặt ra.
Biển Đông được cho là vùng biển dồi dào nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, và là tuyến đường giao thương nhộn nhịp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ "kiên quyết bảo vệ" lợi ích của Bắc Kinh trong khu vực này. Do vậy, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các bước đi nhằm chống lại phán quyết của PCA.
Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi điện cho người đồng cấp Mỹ John Kerry, trong đó cảnh báo chống lại các động thái vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Và Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự, triển khai ít nhất 2 khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường và một khinh hạm mang tên lửa.
Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (CSIS) nhận định, phán quyết của tòa nghi vấn hoặc phản đối tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ không làm mất hiệu lực tất cả những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên sẽ giới hạn thực sự diện tích hải phận mà Trung Quốc có thể có bất cứ chủ quyền pháp lý nào.
"Tôi nghĩ rằng phán quyết đó sẽ không ngăn chặn được, mà thậm chí còn không làm chậm lại được, những hoạt động, những hoạt động xây dựng cải tạo đất, và những hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ rằng một số phần của phán quyết đó có lẽ sẽ được tuân thủ một cách âm thầm, mặc dù Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết đó", bà Bonnie Glaser cho biết.
Trước đó, bà Glaser cho rằng Trung Quốc có thể sẽ ngưng can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông. Tuy không nhận thấy có sự thu hẹp bất đồng nào giữa Washington và Bắc Kinh, bà Glaser cho rằng tiếp tục thảo luận với nhau về vấn đề này là một việc có ích.
Ai sẽ ra phán quyết?
Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan vào năm 2013, vì cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh vi phạm công ước của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh khăng khăng không chấp nhận vụ kiện và từ chối tham gia tiến trình. Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore diễn ra trong tháng 6, các quan chức quân sự Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không tuân thủ phán quyết mà PCA đưa ra vào chiều nay.
Theo điều 9 Phụ lục VII UNCLOS, việc một bên từ chối không tham gia không thể là rào cản cho Tòa Trọng tài tiến hành xét xử và Tòa PCA thụ lý vụ kiện này.
Tháng 10/2015, Tòa đưa ra “Tuyên bố về quyền tài phán và thừa nhận” đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa không bác bỏ quyền tài phán với bất cứ luận điểm nào trong Bản Tranh tụng của Philippines.
Trước khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã tiến hành tập trận phóng tên lửa thật ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ điều 3 tàu khu trục tuần tra gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Ai đứng về phía Trung Quốc?
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gạt bỏ những nghi ngờ về số lượng các quốc gia ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trong một vụ kiện liên quan tới Biển Đông do Philippines đệ trình lên PCA. Thay vào đó, Bắc Kinh huênh hoang rằng, số lượng các nước ủng hộ vụ kiện này đang tăng lên từng ngày.
Trung Quốc rêu rao rằng, hiện đã có khoảng 60 quốc gia ủng hộ quan điểm của họ, trong đó hai quốc gia gần đây nhất ủng hộ Bắc Kinh là Zimbabwe và Sri Lanka.
Theo bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 47 quốc gia đứng về họ trong vụ kiện. Bà cho rằng, các nước ủng hộ Trung Quốc không phải vì thiên vị Bắc Kinh mà họ hiểu rõ vấn đề lịch sử ở Biển Đông, hiểu "bản chất thực sự của cái gọi là vụ kiện trọng tài".
Trong khi đó, theo Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế của Mỹ, hiện chỉ có 8 nước công khai ủng hộ Trung Quốc tẩy chay các thủ tục tố tụng tại The Hague. Đó là Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.
5 nước khác bị Trung Quốc lôi vào danh sách đã thẳng thừng bác bỏ là Ba Lan, Slovenia, Bosnia, Herzegovina, Campuchia, Fiji.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này