Vì sao Samsung "nhồi" quá nhiều ứng dụng phù phiếm vào smartphone?
Nếu bạn vừa mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy, sẽ chẳng có gì lạ khi bạn cảm thấy rối bời như gà mắc tóc với tất cả những ứng dụng được cài sẵn trong máy.
Đã có quầy ứng dụng Google Play nơi bạn có thể tải các ứng dụng hoặc nội dung như nhạc, game... nhưng Samsung vẫn cung cấp một quầy ứng dụng riêng với cùng mục đích. Rồi đã có trình duyệt Chrome của Google nhưng Samsung vẫn trang bị thêm một trình duyệt Internet riêng. Bạn có Gmail nhưng một lần nữa, Samsung cũng cài ứng dụng mail do hãng tự phát triển.
Và cứ thế, danh sách này còn kéo dài hơn nữa.
Mẫu smartphone đầu bảng mới nhất của Samsung - Galaxy S5 được cài sẵn tới 40 ứng dụng, mà đấy là đã giảm tới 10 ứng dụng so với model tiền nhiệm S4 rồi. Đây thực sự là một chiến lược gây bối rối. Tại sao Samsung phải tăng gấp đôi số ứng dụng và dịch vụ cơ bản khi mà Google đã cung cấp cho người dùng Android tất cả những dịch vụ thiết yếu?
Có vẻ như Samsung xây dựng chiến lược này với niềm tin rằng người dùng đủ thông minh để chọn được ứng dụng hoặc dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Business Insider, ông Wonpyo Hong, Chủ tịch Trung tâm Giải pháp di động của Samsung đã giải thích vì sao Samsung lại đầu tư nhiều nguồn lực cho ứng dụng và nội dung di động như vậy, thậm chí còn sao chép cả những gì Google đã cung cấp thông qua Android.
Theo đó, Samsung luôn cố gắng "tạo ra nét độc đáo trong các sản phẩm của mình". Lấy thí dụ, Samsung vừa khai trương một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến có tên Milk - dành riêng cho một số dòng điện thoại của Samsung. Nhưng khác với các dịch vụ đối thủ như Spotify hay Pandora, Milk hoàn toàn miễn phí và sạch quảng cáo (tuy đã có một số tin đồn rằng Milk sắp hiển thị quảng cáo trừ phi bạn đóng tiền phí thuê bao hàng tháng).
"Người dùng luôn biết trải nghiệm tốt nhất mà họ tìm kiếm là gì. Chúng tôi tin rằng có nhiều lựa chọn để thử nghiệm luôn là điều tốt. Miễn là chúng tôi có một dịch vụ hoặc nội dung độc đáo, xét từ góc độ người dùng, thì chúng tôi sẽ cung cấp", ông Hong tuyên bố.
Chiến lược nội dung và dịch vụ này cũng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền tảng Tizen của Samsung. Đây là một hệ điều hành smartphone nguồn mở có khá nhiều điểm tương đồng với Android. Nhiều người cho rằng Tizen là cacshh để Samsung phá bỏ sự lệ thuộc vào Google. Nếu như Samsung có thể phát triển cả phần cứng lẫn hệ điều hành, cũng như cung cấp dịch vụ/ứng dụng cho thiết bị thì hãng sẽ có thể tự quyết định số phận của mình và tạo ra nhiều doanh thu hơn.
Vấn đề là Tizen và hệ sinh thái của Samsung không có được quy mô người dùng đông đảo như Google đang có với Android. Không có nhiều động lực để giới lập trình tạo ra các ứng dụng hỗ trợ Tizen, cũng như để người dùng bình thường chuyển sang Tizen khi họ đã trót gắn bó với Android.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo