Quốc tế

Vì sao Tào Tháo chết không thống nhất được Trung Nguyên?

Đánh bại các thế lực cát cứ ở phương Bắc, Tào Tháo đã đạt đến đỉnh cao danh vọng và quyền lực, nhưng tham vọng thống nhất Trung Nguyên mà ông theo suốt hàng chục năm cuối cùng không trở thành hiện thực.

Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), so sánh với các thế lực khác nổi lên thời Tam quốc như Thục Hán và Đông Ngô, Tào Ngụy sở hữu sức mạnh quân sự gấp nhiều lần. Dưới trướng Tào Tháo còn có đội ngũ tướng lĩnh, quân sự tài giỏi, nhưng vì sao cho đến chết, Tào Tháo không thể thống nhất Trung Nguyên?

Tào Tháo đạt đến đỉnh cao quyền lực

Tào Tháo (155-220), tự Mạnh Đức, người huyện Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ông là con nuôi của hoạn quan Tào Đằng.

Tào Tháo dù nắm trong tay lực lượng hùng mạnh nhưng bại trận bởi liên minh Tôn Quyền-Lưu Bị.

Năm 20 tuổi, Tào Tháo nổi danh nhờ sự liêm khiết và trung hiếu. Ông nhậm chức Bắc bộ úy Lạc Dương, tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa của giặc khăn vàng không lâu sau đó.

Năm 192, Tào Tháo đánh bại quân khởi nghĩa, tuyển chọn lực lượng tinh nhuệ vào gây dựng thực lực quân sự từ đó. 4 năm sau, Tào Tháo đưa Hán Hiến Đế về Hứa Đô, giành ưu thế chính trị nhờ “phò tá thiên tử, hiệu lệnh chư hầu”.

Ông lần lượt tiêu diệt các thế lực cát cứ như Lữ Bố, Đào Khiêm… Chiến thắng trước Viên Thiệu năm 200 đặt nền móng cho sự nghiệp thống nhất Trung Nguyên.

Năm 213, Hán Hiến Đế sắc phong Tào Tháo làm Ngụy Công, phong đất tại Ký Châu cùng hơn 10 quận. Ông cho xây dựng Ngụy Vương Cung Đồng Tước Đài ở nghiệp Thành, hưởng đặc quyền như “gặp vua không cần tham bái, đeo kiếm lên điện".

Mặc dù địa vị Tào Tháo "ngang thiên tử", nhưng vì nhiều lý do mà ông chưa bao giờ bước lên ngôi vua.

 

Xem thường liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền

Dù quyền uy ngang thiên tử nhưng Tào Tháo không bao giờ có thể thống nhất Trung Nguyên.

Sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo có ít nhất hai cơ hội thống nhất thiên hạ trong trận Xích Bích và Hán Trung. Đêm trước đại chiến Xích Bích, Tào Tháo tin rằng mình sắp bước đến thời khắc thống nhất.

Khi đó, miền Bắc Trung Quốc đã bước vào giai đoạn ổn định. Chiếm được Kinh Châu, Tào Tháo gần như không còn phải lo đến “cái gai trong mắt” là Lưu Bị. Thế lực lớn nhất có khả năng ngáng đường Tào Ngụy chính là Giang Đông do Tôn Quyền nắm giữ.

Gửi thư chiêu hàng Tôn Quyền, Tào Tháo còn tự tin cho rằng, sớm muộn ông cũng sẽ nắm được Giang Đông.

Trên thực tế, việc Tào Ngụy tiến đánh xuống phía nam ngay sau khi chiếm Kinh Châu là nước cờ “thất sách”. Mưu sĩ của Tào Tháo, Giả Hủ từng khuyên: “Nếu để binh sĩ nghỉ ngơi, úy lạo bách tính, khiến dân an cư lạc nghiệp, thì không cần phí sức cũng có thể khuất phục Giang Đông”.

 

Vì nóng lòng muốn hoàn thành đại nghiệp, Tháo Tháo phớt lờ lời khuyên của quân sư để xua quân tiến đánh Giang Đông. Ông cho rằng, “Tôn Quyền trẻ người non dạ”, không đủ tầm đối đầu với thế lực Tào Ngụy hùng mạnh.

Nhưng Thào Tháo không ngờ rằng, Tôn Quyền thậm chí còn vượt tài Viên Thiệu. Lỗ Túc từng nói với Tôn Quyền: "Chúc Chí tôn uy đức Tứ Hải, danh chấn Cửu Châu, khắc thành Đế nghiệp".

Quyền nghe xong "chỉ cười lớn", cho thấy ông không e ngại thể hiện tham vọng xưng bá Trung Nguyên, đồng thời không bao giờ đầu hàng Tào Tháo.

Tào Tháo trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa.

Theo các tài liệu lịch sử Trung Quốc, họ hàng Tôn Quyền đều là những người tham vọng và muốn mở rộng quyền lực. Tào Tháo khi đó là người duy nhất nghĩ rằng mọi chuyện sẽ dễ dàng.

Thảm bại trong trận Xích Bích khiến Tào Tháo tổn thất hàng trăm ngàn binh sĩ, chủ yếu là những người thiện chiến nhất. Sức mạnh quân sự Tào Ngụy suy yếu rõ rệt.

 

Một sai lầm nữa của Tào Tháo chính là việc đánh giá thấp Lưu Bị. Tào Tháo nhiều lần đánh cho Lưu Bị phải bỏ chạy. Nhưng đến năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Lưu Bị đã hoàn toàn thay đổi nhờ Gia Cát Lượng.

Khổng Minh không chỉ thuyết phục Tôn Quyền liên minh kháng Tào, mà còn thiết lập được liên minh ngoại giao bình đẳng giữa với Đông Ngô.
Điều này giúp Lưu Bị chính thức mà nắm trong tay quyền lực và địa bàn thực tế. Chiến thắng của liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền trong trận Xích Bích đặt nền móng để Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán.

Nếu không có Lưu Bị, dù Tào Tháo có thất bại trước Tôn Quyền tại Xích Bích, ông vẫn còn cơ hội lật ngược thế cờ sau này.

Tuy nhiên, thế lực của Lưu Bị bất ngờ vươn lên mạnh mẽ và hình thành thế "chân vạc" giữa Ngụy, Thục Ngô gây trở ngại rất lớn cho nỗ lực phá vỡ thế cân bằng của Tào Tháo.

Năm 215, Thục Hán và Đông Ngô vốn bất hòa trong việc kiểm soát Kinh Châu thì việc Trương Lỗ đầu hàng Tào Tháo khiến hai thế lực này lại liên minh đánh Tào.

 

Phác họa hình ảnh Tào Phi, người ép Hán Hiến Đế nhường ngôi sau khi Tào Tháo qua đời.

Bài học trong trận Xích Bích khiến Tào Tháo do dự, không dám tiến quân sâu hơn đánh Lưu Bị theo đề nghị của Tư Mã Ý. Việc Tào Tháo lựa chọn giải pháp an toàn đã khiến 4 năm sau, Lưu Bị bất ngờ phản công, chiếm Hán Trung. Để mất vị trí chiến lược vào tay Thục Hán, Tào Tháo qua đời 2 năm sau đó.

Giúp con trai lên ngôi hoàng đế

Sau khi đánh bại Trương Lỗ năm 216, Tào Tháo trở thành Ngụy Vương. Đây là một phần trong kế hoạch của Tào Tháo nhằm thâu tóm quyền lực. Tào Tháo muốn dồn tâm sức để “thay Hán triều”, dọn đường cho con trai lên ngôi vua, khi ông đã có tuổi.

Vì tham vọng xưng hiệu mà Tào Tháo mâu thuẫn với quân sư kiệt xuất là Tuân Úc. Mưu sĩ phe Tào Ngụy qua đời một cách bí ẩn năm 212. Bên cạnh đó, việc Lưu Bị và Tôn Quyền tăng cường khuếch trương thanh thế và thu hút sự ủng hộ của các thế lực lớn ở Kinh Châu, Giang Đông, Ích Châu, đã khiến cho Tào Tháo không còn duy trì được sức hút như lúc đánh bại Viên Thiệu.

Có thể nói, trong khi bế tắc trước liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền, Tào Tháo lại phải dành tâm sức cho vấn đề chính trị trong nội bộ nhà Đông Hán. Liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền đã thừa cơ hình thành thế “chân vạc”, mở đầu cho giai đoạn Ngụy-Thục-Ngô thời Tam quốc.

 

Khi tuổi đã cao, dù Tào Tháo có “nhất đại kiêu hùng” cũng không còn có khả năng đưa quân tiến đánh Thục Hán, Đông Ngô một lần nào nữa.
Nhưng Tào Tháo hoàn toàn có thể mỉm cười, bởi sau khi ông qua đời không lâu, con trai Tào Phi ép Hán Hiến đế nhường ngôi. Lúc đó, Tào Tháo mới được xưng là “Vũ Hoàng Đế”, sử sách Trung Quốc gọi là Ngụy Vũ Đế.

Nên đọc
Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo