Pháp luật

Vì sao vợ bác sỹ Tường không bị xử lý?

Cáo trạng thể hiện, Nguyễn Thị Hằng, vợ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường đi cùng xe ô tô, biết chồng vứt xác nạn nhân Huyền xuống sông Hồng, chị này đã can ngăn nhưng không được. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, tội che giấu hoặc không tố giác tội phạm không áp dụng trong trường hợp này.

Bác sỹ Tường (áo trắng) bị dẫn giải ra cầu Thanh Trì thực nghiệm điều tra.

Ngày 20/2, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho bị can Đào Quang Khánh, cho biết, ngày 18/2 Viện KSND TP Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh trong vụ “thẩm mỹ viện Cát Tường”.

Cụ thể, bị can Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và tội “Trộm cắp tài sản”; Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh...”. Theo cáo trạng, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường đối mặt với mức phạt cao nhất tính cả 2 tội đến 10 năm tù.
 
Theo luật sư Thơm, mặc dù bà Nguyễn Thị Hằng biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xác xuống sông, chứng kiến việc chồng vứt xác, song cơ quan điều tra không đề cập xử lý bà Hằng là có căn cứ pháp luật.
 
Thứ nhất, bà Hằng đã can ngăn chồng không vứt xác chị Huyền xuống sông, nên không phải là đồng phạm trong hành vi xâm phạm thi thể. 
 
Còn ở hành vi che giấu và không tố giác tội phạm, do bị can Tường bị truy tố về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là tội phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều 313 (Che giấu tội phạm) và 314 (Không tố giác tội phạm) BLHS. Do vậy, hành vi của bà Hằng không cấu thành tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
 
Tương tự, ông Nguyễn Quang Thành (bác sỹ khoa ngoại BV Bạch Mai, người được ông Tường gọi đến thẩm mỹ viện giúp cùng cấp cứu chị Huyền), sau khi chị Huyền tử vong, ông Thành không tố cáo với cơ quan chức năng, cũng không cấu thành tội hành vi không tố giác tội phạm. Một số nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường biết việc nhưng không tố cáo, cơ quan điều tra cũng không đề cập xử lý vì căn cứ trên.
 
Ngoài ra, một số nhân viên Trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp bị can Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền, nhưng do ông Tường phạm tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, nên không có căn cứ xử lý đồng phạm theo điều 20 BLHS.
 
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, theo quan điểm truy tố của Viện KSND TP Hà Nội, Tường vi phạm các quy định về dịch vụ y tế gây thiệt hại cho tính mạng chị Huyền (1 người) thuộc trường hợp định khung theo khoản 1 điều 246. Sau khi làm chết nạn nhân mang đi vứt xác thì đã cấu thành một tội phạm khác theo điều 246 BLHS. Do đó, những tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt không được coi là tình tiết tăng nặng (khoản 2 điều 48 BLHS)
 
Mặt khác, quy định khoản 2 hay khoản 3 điều 242 BLHS thì không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn trường hợp nào thì áp dụng khoản 2 hay khoản 3 điều 242 BLHS. Về nguyên tắc nếu không có hướng dẫn áp dụng thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.
 
Theo cơ quan công tố, hành vi vứt xác chị Huyền xuống sông của Tường và Khánh đã xâm phạm thi thể, gây hậu quả nghiêm trọng, đến nay chưa tìm thấy xác chị Huyền, ảnh hưởng xấu đến đời sống tâm linh của gia đình chị Huyền và gây phản cảm về hình ảnh, y đức của người bác sỹ khiến dư luận lên án.
 
Theo Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo