Pháp luật

Vị thẩm phán nổi tiếng với những hình phạt "chẳng giống ai"

(DNVN) - Thẩm phán Michael Cicconetti từ những năm 90 đã nổi tiếng bởi những hình phạt “chẳng giống ai” nhưng đã mang lại hiệu quả tốt trong việc truyền đạt bài học đạo đức tới phạm nhân.

Những bài học nhớ đời

Những bản án kỳ lạ của thẩm phán Michael Cicconetti ở Painesville, bang Ohio, Mỹ đã trở thành một danh sách khá dài.

Có lần ông buộc một người phụ nữ đã bỏ rơi con mèo ốm yếu của mình, phải lang thang một mình trong rừng cả buổi đêm mà không có nước, thức ăn hay sự giúp đỡ nào.

Một vụ khác, một người bị bắt vì mang súng đã nạp đạn được vị thẩm phán này yêu cầu phải tới nhà xác địa phương để xem xác chết.

Một dịp khác vào năm 2002, một người lăng mạ sĩ quan cảnh sát là “con lợn”, hậu quả là người này chịu hình phạt phải đứng cạnh một con lợn cùng với tấm biển: “Đây không phải là một sĩ quan cảnh sát”.

Gần đây nhất là ngày 29/5, cô gái trẻ Victoria Bascom, 18 tuổi ở Fairport Harbor bị tố cáo “quỵt” 100 USD tiền taxi từ Cleveland tới Painesville.

Cô gái này đã được thẩm phán Cicconetti đưa ra hai lựa chọn: một là ngồi tù 60 ngày và bồi thường 100 USD, hai là phải đi bộ 30 dặm trong vòng 48 tiếng đúng bằng quãng đường cô ta không chịu trả tiền. Bị cáo sau đó đã chọn đi bộ với màn hình GPS giám sát.

Cùng ngày, ông Cicconetti cũng khiến cô Diamond Gaston 19 tuổi phải lựa chọn khó khăn sau khi Gaston hành hung một người đàn ông với bình xịt hơi cay.

Gaston có thể cân nhắc thời gian ngồi tù hoặc cho phép nạn nhân phun bình xịt hơi cay lại vào mặt mình. Gaston chọn bình xịt hơi cay, nhưng rất may trong bình chỉ là một dung dịch muối vô hại.

Theo tờ News-Herald, từ những năm 1990, thẩm phán Cicconetti đã đưa ra những hình phạt “oái oăm” như vậy.

Trên tờ báo này năm 2012, ông chia sẻ: “Đó là vì nỗi thất vọng ngày càng tăng bởi sau 1 hoặc 2 năm, nhiều người quay lại phòng xử án với những lỗi vi phạm lặp lại. Tôi nghĩ, phải có cách nào đó để cải thiện tình trạng này”.

Hình phạt của thẩm phán Cicconetti thường áp dụng với một tỷ lệ nhỏ người phạm tội lần đầu và mục đích để dạy cho họ một bài học.

Thẩm phán Michael Cicconetti và cảnh bị cáo phải chịu cảm giác bị tấn công bằng bình xịt hơi cay.
Thẩm phán Michael Cicconetti và cảnh bị cáo phải chịu cảm giác bị tấn công bằng bình xịt hơi cay.

Đánh trúng tâm lý hơn là phạt tù

Các bản án mà thẩm phán Cicconetti đưa ra luôn đi với một số hình thức khác như ngồi tù, phục vụ cộng đồng, nộp tiền phạt, tất nhiên đều được luật pháp cho phép.

“Tất cả chúng ta đều có thể gây ra những điều ngu ngốc. Những người bị bắt thường do không may phạm phải lỗi nhỏ và không có lý do gì buộc họ bị lưu hồ sơ tội phạm mãi mãi”, ông Cicconetti nói với tờ Huffington Post.

Tuy nhiên, có người lại cho rằng các hình phạt của thẩm phán Cicconetti chỉ để thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Ngược lại, giáo sư Jonathan Witmer-Rich, chuyên gia về luật hình sự ở Đại học Luật Cleveland-Marshall lại cho rằng, vị thẩm phán đã tạo ra hiệu quả khi xử lý vụ việc.

 

Ngoài việc tiết kiệm được chi phí đưa người phạm tội vào tù, những hình phạt độc đáo sẽ khiến cho người phạm tội cư xử tốt hơn với cộng đồng, xã hội sau khi họ đã mặc sai lầm.

“Thẩm phán có quyền sử dụng nhiều biện pháp trừng phạt kẻ phạm tội nhưng miễn là đừng lạm dụng hoặc đi quá xa, nhưng tôi nghĩ đó là những hình thức trừng phạt sáng tạo mà hiệu quả”.

Được biết, vụ án đầu tiên tạo động lực cho thẩm phán Cicconetti là vụ một phụ nữ lái xe vượt trái phép chiếc xe buýt chở học sinh. Thẩm phán Cicconetti nghĩ, nếu chỉ bắt đối tượng nộp phạt, cô ta sẽ không bao giờ hối hận về hành vi của mình.

Vì thế, ông quyết định, hoặc là bị cáo bị đình chỉ giấy phép lái xe 90 ngày hoặc phải lái một ca xe buýt chở học sinh để nhận ra tính chất nguy hiểm trong hành động của mình.

Và trên thực tế, những hình phạt “chẳng giống ai” của ông đã thực sự đem lại hiệu quả. Điển hình là người đàn ông bị phạt đứng cạnh con lợn một ngày như đã kể trên.

 

“Khi nào có dịp, anh ấy lại ghé qua chào tôi một tiếng hoặc vẫy chào tôi khi gặp trên phố”, thẩm phán Cicconetti kể với tờ News-Herald. “Anh ấy thậm chí còn gọi mời tôi ăn trưa vì đã khiến anh ta hiểu được hành vi sai trái của mình. Đó là giá trị của những việc tôi đã làm”.

Thu Phương (Theo Washington Post/Huffington Post)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo