Việc đặt ga tàu điện cạnh hồ Gươm đã được tính toán kỹ lưỡng
(TPO) Đại diện Phòng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội) cho biết, các nghiên cứu cụ thể về đường sắt đô thị Hà Nội đã được thành phố và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bắt đầu từ năm 2004.
Theo đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 được xác định là có tiềm năng phát triển nhất để lựa chọn nghiên cứu tiền khả thi. Các nghiên cứu sau đó của cơ quan tư vấn nước ngoài cũng đã đặt ra nhiều phương án để phân tích, lựa chọn, làm rõ ưu, nhược điểm.
“Trên cơ sở xem xét số liệu khảo sát cụ thể, đánh giá tổng thể tác động môi trường, xã hội, kinh tế, tính hiệu quả..., các nghiên cứu đã thống nhất lựa chọn phương án tuyến đi qua khu vực phố cổ. Trong giai đoạn tiếp theo, các nghiên cứu này đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt các văn bản pháp quy của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu lập dự án, thành phố luôn tham vấn các bộ, ngành, hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan có liên quan về hướng tuyến cũng như việc lựa chọn địa điểm quy hoạch ga ngầm C9 (nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội - EVN Hà Nội) và đều nhận được sự đồng thuận” - Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết.
Theo ông Dương Đức Tuấn- Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, có ba phương án quy hoạch ga C9. Phương án A: vị trí ga đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu; Phương án B: cách vị trí ga đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi 60m về phía Nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội; Phương án C: cách vị trí ga đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi 185m về phía Bắc, nằm dưới khu phố cổ bao gồm cả nhà hát múa rối Thăng Long.
Dựa trên kết quả so sánh, đánh giá ba phương án nêu trên, đơn vị nghiên cứu đã đề xuất chọn phương án B- là phương án hợp lý nhất đặt ga C9.
Lý do việc đặt ga C9 tại khu vực này theo Sở Quy hoạch kiến trúc là sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của Hồ Gươm (gồm cả Tháp Bút và đền Bà Kiệu) hơn phương án A. Hơn nữa, đặt ga tại vị trí này du khách có khả năng tiếp cận thuận tiện vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền.
“Chúng tôi luôn thận trọng và ý thức rất rõ việc bảo vệ không gian Hồ Gươm. Do vậy, việc quy hoạch tổng mặt bằng sẽ được cơ quan tư vấn của nước ngoài, chủ đầu tư dự án và các cấp, ngành nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng trước khi trình duyệt”- ông Tuấn nói.
Về hướng tuyến, theo UBND TP Hà Nội lý giải, ga C9 có vai trò rất quan trọng, giúp kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, nhịp nhàng tuyến đường sắt số 2 và một số tuyến đường sắt quan trọng khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trong lúc ga C8 của tuyến đường sắt số 2 đặt tại vị trí vườn hoa Hàng Đậu sẽ kết nối với tuyến đường sắt số 1 chạy qua Long Biên, còn ga C10 đặt tại Hàng Bài kết nối với tuyến đường sắt ngầm số 3 đi tuyến Trần Hưng Đạo. Nếu bỏ ga C9 thì khoảng cách giữa 2 ga C8 và C10 khoảng 2.500m, là quá lớn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
“Đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất, sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp hệ thống điện. Các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh, mặc dù đầu tư tốn kém nhưng sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận nên những ý kiến lo ngại việc ảnh hưởng đến khu vực Bờ Hồ là không chuẩn xác” - Đại diện Văn phòng UBND TP cho biết.
Trần Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo